MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việt Nam xuất siêu hơn 25 tỉ USD tính đến giữa tháng 12.2023, dự kiến đạt hơn 26 tỉ USD cả năm 2023. Ảnh: Cường Ngô

Giải mã kỷ lục xuất siêu hơn 25 tỉ USD

Cường Ngô LDO | 30/12/2023 06:47

Cán cân thương mại cả nước tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư ước đạt hơn 26 tỉ USD cả năm 2023, tăng gần gấp 3 lần năm 2022. TS. Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) nhận định điều này thể hiện sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp trong việc vượt qua khó khăn, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, đưa kết quả xuất khẩu tháng sau cao hơn tháng trước.

Xuất siêu kỷ lục từ trước đến nay

Tính đến ngày 15.12, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 312,35 tỉ USD, giảm 9,8% (tương ứng giảm 34,06 tỉ USD) so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, cán cân thương mại của cả nước thặng dư hơn 25 tỉ USD (gấp gần 3 lần so với năm 2022) và là mức xuất siêu kỷ lục từ trước đến nay.

Lý giải việc tổng kim ngạch giảm nhưng xuất siêu tăng, TS Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) - cho biết, năm nay, mặc dù xuất khẩu giảm so với năm 2022, nhưng nhập khẩu của nền kinh tế đang giảm mạnh hơn, đó là lý do kết quả xuất siêu hơn 25 tỉ USD (tính đến giữa tháng 12.2023, dự kiến đạt 26 tỉ USD cả năm 2023).

Điều này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp trong việc vượt qua khó khăn, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu mới, đưa kết quả xuất khẩu tháng sau cao hơn tháng trước.

Ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội cho biết, năm nay, trừ rau quả và gạo có kim ngạch xuất khẩu khá hơn, còn lại hầu hết các ngành hàng đều giảm, kể cả các nhóm ngành hàng chủ lực như điện thoại, dệt may, da giày… Tuy nhiên, Chính phủ, các bộ ngành, cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực rất lớn để nâng cao hiệu quả xuất khẩu. "Chúng ta nỗ lực tìm các thị trường ngách, các thị trường mới cho doanh nghiệp thông qua việc đàm phán, tiến tới ký kết các FTA với nhiều bạn hàng ở khu vực châu Phi, Trung Đông… Bên cạnh đó, tích cực phổ biến về các FTA để doanh nghiệp tiếp tục chiếm lĩnh sâu hơn các thị trường truyền thống” - ông Vũ Vinh Phú nói.

Với kết quả như vậy, cán cân thương mại cả nước tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng ước đạt hơn 26 tỉ USD cả năm 2023, tăng gần gấp 3 lần năm 2022. Ông Vũ Vinh Phú cho rằng, đây là một trong những kết quả đáng ghi nhận vì đã góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỉ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế. Đây cũng là mức xuất siêu kỷ lục trong nhiều năm qua.

Cán cân thương mại cả nước tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư ước đạt hơn 26 tỉ USD cả năm 2023. Ảnh: Hải Nguyễn

Kỳ vọng gì trong năm 2024?

Bà Nguyễn Thị Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho biết, điểm sáng nhất trong bức tranh xuất nhập khẩu năm 2023 chính là cán cân thương mại cả năm tiếp tục xuất siêu với mức thặng dư ước đạt 26 tỉ USD trong năm 2023, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỉ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Dự báo về tình hình xuất nhập khẩu trong năm 2024, bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - thông tin, năm 2024, bối cảnh thế giới được dự báo tiếp tục có những chuyển biến lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Mặc dù vậy, xuất khẩu có nhiều cơ hội để phục hồi và tăng trưởng trong năm 2024 khi vấn đề hàng tồn kho cao tại Hoa Kỳ đang dần được khắc phục.

"Cục Xuất nhập khẩu dự kiến chỉ tiêu phấn đấu về xuất nhập khẩu năm 2024 là tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 6% so với năm 2023. Cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu" - bà Trang nói. Để nâng cao hiệu quả xuất nhập khẩu, ông Vũ Vinh Phú kiến nghị, đối với xuất nhập khẩu hiện còn gặp nhiều khó khăn do chi phí logistics còn cao. Ví dụ, Thái Lan đưa hàng sang Trung Quốc chi phí còn rẻ hơn Việt Nam. Do đó, phải đầu tư cho lĩnh vực logistics vì đây là yếu tố quan trọng để nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hoá.

Bên cạnh đó, tình hình lạm phát đang diễn biến ngày càng phức tạp nên các quốc gia đều có yêu cầu chung là làm sao hạ giá thành sản phẩm. Cho nên phải xem xét lại chính sách thuế để hỗ trợ doanh nghiệp hạ giá thành. Giữ uy tín cho hàng hoá xuất khẩu để tránh tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”.

Ông Vũ Vinh Phú cũng cho rằng, cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn tín dụng lãi suất thấp. Cho phép doanh nghiệp vay bằng tín chấp. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu để giúp doanh nghiệp tiếp cận các thủ tục đơn giản, dễ dàng hơn.

Xuất nhập khẩu đạt 650 tỉ USD, xuất siêu hơn 25 tỉ USD

Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 12 (1-15.12) đạt 30,52 tỉ USD, giảm 1,4% (tương ứng giảm 433 triệu USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 11.2023.

Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 12 đã đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15.12 đạt 649,96 tỉ USD, giảm 7,5% (tương ứng tăng giảm 52,53 tỉ USD) so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, tính đến 15.12, cán cân thương mại của cả nước thặng dư hơn 25 tỉ USD.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn