MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chỉ số chứng khoán VN-Index vẫn đang diễn biến khó lường. Ảnh minh họa: Thế Lâm.

Giải mã phiên thanh khoản “khủng” hàng đầu thị trường chứng khoán

Thế Lâm LDO | 25/12/2021 06:58

Tuần giao dịch chứng khoán vừa kết thúc với phiên giao dịch ngày 24.12 chỉ số VN-Index tăng hơn 20 điểm, lấy lại gần như số điểm đã mất trong phiên liền trước đó.

Phiên ngày 23.12 VN-Index mất 20,71 điểm; phiên giao dịch ngày 24.12 chỉ số tăng 20,07 điểm, gần như đã lấy lại được những gì đã mất trước đó.

Tuy nhiên, trên thực tế, sự san lấp mới chỉ về điểm số, còn về diễn biến và đặc biệt là về xu hướng, triển vọng, thì lại chưa thể lấy lại được.

Thứ nhất là xu hướng. Theo Công ty chứng khoán Phú Hưng, phiên tăng điểm ngày 24.12 cho thấy thị trường vẫn nằm trong trạng thái giằng co tích lũy, nghĩa là xu hướng chưa có gì thay đổi, trong đó gồm cả khả năng về áp lực điều chỉnh cũng chưa hoàn toàn kết thúc.

Cho tới thời điểm này, nguyên nhân tác động trực tiếp tới phiên giảm điểm đầy bất ngờ ngày 23.12.2021 tạo ra thanh khoản đạt kỷ lục lịch sử lên đến hơn 45.560 tỉ đồng trên sàn HoSE vẫn chưa rõ ràng. Còn nếu cộng toàn thị trường, thanh khoản của ngày giao dịch này đạt hơn 52.800 tỉ đồng.

Theo bà Bùi Thị Kim – Trưởng phòng kinh doanh Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, một trong những yếu tố tác động dẫn đến việc giảm điểm mạnh đột ngột và bất ngờ là do VN-Index nhiều lần thử thách vùng 1.480-1.495 điểm mà không thể vượt được, nên đã kích hoạt làn sóng chốt lời, kéo điểm số giảm xuống, càng khiến tâm lý chốt lời mạnh lên. Vì thế, chỉ số cần một pha chỉnh về vùng 1.450 điểm để rũ hết rồi mới có thể hồi phục trở lại.

Trong khi đó, theo một chuyên viên môi giới của sàn VNDirect, thị trường thoát khỏi trạng thái giằng co ở vùng 1.480 điểm đẩy thanh khoản lên cao trong phiên điều chỉnh ngày 23.12. Dòng tiền chốt lời ở nhóm cổ phiếu đầu cơ tạo nên sức ép lớn lên thị trường. Cú ép nhằm đánh gục nhiều cổ phiếu, khiến cho những cổ phiếu đầu cơ và yếu phải rũ hết hàng. Từ đó, có một dòng tiền chờ sẵn để bắt đáy.

Phiên giảm hơn 20 điểm được Công ty chứng khoán SHS cho rằng có điểm tương tự như phiên giảm gần 30 điểm ngày 6.12, nhưng thanh khoản thì cao hơn rất nhiều. Hầu hết nhà đầu tư chưa thể lý giải được nguyên nhân chính gây ra phiên giảm đột ngột và mạnh như thế. Các lý giải nhìn chung cũng mới chỉ giải thích được một khía cạnh nào đó.

Một số phân tích bổ sung thêm nguyên nhân có một phần do các quỹ đầu tư chốt giá trị tài sản ròng dịp cuối năm (NAV), thêm vào đó là áp lực từ các công ty chứng khoán cho vay margin cũng phải chốt NAV dịp cuối năm nên đã thúc đẩy việc xả hàng từ những nhà đầu tư vay margin.  

Điểm số của VN-Index càng lên cao càng có những phiên đảo ngược đột ngột và rất khó đoán định. Phiên giao dịch ngày 23.12 trên sàn HoSE là một điển hình như vậy, không xuất phát từ một nguyên nhân nào cụ thể nhưng lại cuốn bay không ít thành quả của nhà đầu tư trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng.

Tình trạng lình xình của VN-Index trong các vùng giằng co, thường xảy ra trong khoảng 2 tháng giao dịch vừa qua, và bất chợt lại có 1-2 phiên lao dốc mạnh sau đó chỉ số lại gần như phải làm lại từ đầu từ mốc 1.400 điểm.

Đây là một diễn biến thực tế mà VN-Index đã diễn ra hơn một lần trong khoản 2 tháng trở lại đây – thuộc khoảng thời gian trước và sau thời điểm VN-Index chạm ngưỡng 1.500 điểm. Nắm được diễn biến này để có kịch bản ứng phó, nhà đầu tư sẽ giảm được rủi ro, thiệt hại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn