MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều dự án trọng điểm tại tỉnh Bình Dương có kết quả giải ngân đạt thấp. Ảnh: Đình Trọng

Giải ngân đầu tư công: Giao chỉ tiêu quý, giải tỏa tâm lý sợ trách nhiệm

Cẩm Hà LDO | 27/02/2023 09:33

Quá trình giải ngân đầu tư công của cả nước vẫn còn 39 nhóm vấn đề vướng mắc quy định tại các nghị định của Chính phủ và văn bản pháp luật liên quan đến 7 lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, ngân sách và công sản, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản, đầu tư công.

Năm 2022, tỉnh Gia Lai được Thủ tướng Chính phủ giao giải ngân số vốn đầu tư công là 3.300 tỉ đồng. Mặc dù tỉnh Gia Lai có nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công nhưng tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 vẫn thấp hơn trung bình của cả nước. Đến hết 31.1.2023, Gia Lai mới giải ngân được 76,29% kế hoạch vốn đầu tư công được giao. 

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, ông Trương Hải Long lý giải: Việc chuẩn bị dự án chưa tốt dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư; một số dự án vướng mắc điều chỉnh quy hoạch hay giải phóng mặt bằng sạch chưa dứt điểm dẫn đến ảnh hưởng tiến độ giải ngân và xây dựng công trình. Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan thiếu chủ động và chặt chẽ trong liên kết, phối hợp thực hiện dự án. Đặc biệt, năng lực một số nhà đầu tư, chủ đầu tư, ban quản lý dự án của địa phương còn hạn chế. 

Trong khi đó, là một trong các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam, mặc dù nỗ lực, thậm chí còn thực hiện Chiến dịch cao điểm "Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công" trong hơn 1 tháng cuối năm, nhưng theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, đến ngày 31.1.2023, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh vẫn thấp hơn mục tiêu khi chỉ đạt 74,4%. Trong đó, kế hoạch năm 2021 kéo dài đạt 50,3%, kế hoạch năm 2022 đạt 84%; giải ngân các công trình trọng điểm cũng chỉ đạt tỉ lệ 66,3%, không đạt so với kế hoạch đề ra là 95%. 

Ngay khi kết thúc năm ngân sách 2022 (31.1.2023), ngày 1.2.2023, lãnh đạo tỉnh Bình Dương tổ chức tổng kết lại Chiến dịch và nhìn nhận, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công tại địa phương này không đạt kỳ vọng là do liên quan đến quy định của pháp luật về đầu tư công và trong xây dựng, ban hành phương án giá đất, phối hợp trong việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật; công tác khảo sát, thiết kế dự án chưa tốt; công tác đánh giá và quản lý rủi ro trong quá trình thực hiện dự án chưa được các chủ đầu tư quan tâm đúng mức...

Rút kinh nghiệm về tiến độ giải ngân chậm đầu năm, gấp gáp cuối năm trong năm qua, lãnh đạo tỉnh Bình Dương yêu cầu nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 là phải giải ngân 25% cho mỗi quý. 

Đầu tàu kinh tế cả nước là TPHCM trong năm 2022 được giao 54.000 tỉ đồng vốn đầu tư công. Đến ngày 31.1.2023, thành phố mới giải ngân được 71,3%. Mặc dù tỉ lệ giải ngân năm 2022 tăng mạnh so với năm trước nhưng vẫn không đạt mục tiêu đặt ra là 95%. Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, nguyên nhân chính khiến tỉ lệ giải ngân vốn không đạt kỳ vọng là các bất cập trong thủ tục thực hiện dự án, giải phóng mặt bằng chậm, giá vật liệu xây dựng tăng. 

Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, thành phố đã báo cáo và nhận trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ; đồng thời xem xét trách nhiệm các cá nhân đứng đầu, các tổ chức triển khai chậm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn