MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng cho quý I/2024. Ảnh: Cường Ngô

Giải pháp để ngành dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỉ USD trong năm 2024

Vũ Long LDO | 16/12/2023 14:33

Ngành dệt may đặt mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt 44 tỉ USD, tăng 9,2% so với năm 2023.

Dệt may mạnh dạn tăng mục tiêu xuất khẩu

Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) - cho biết, hiện nay, tình hình kinh tế tại các thị trường nhập khẩu dệt may lớn của Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi, nhu cầu về hàng dệt may cao hơn năm 2023, ngành dệt may Việt Nam đang có nhiều dấu hiệu cải thiện rõ rệt.

Không chỉ thị trường xuất khẩu được cải thiện, Chính phủ và các bộ, ban, ngành cũng có nhiều chính sách, giải pháp để hỗ trợ các ngành sản xuất, trong đó có ngành dệt may nói riêng, tạo cơ hội để phục hồi sản xuất, dịch vụ trong nước. Trong đó, mức lãi suất ngân hàng cho vay giảm đáng kể là giải pháp thực tế tác động tích cực lên các ngành.

Ngành dệt may đã vượt qua giai đoạn khó khăn để tăng trưởng trong năm 2024. Ảnh: Ngọc Hân

“Mặt bằng lãi suất cho vay tại Việt Nam hiện đã giảm đáng kể, giúp giảm sức ép chi phí lãi vay lên các doanh nghiệp. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ hiện nay có thể được kéo dài trong năm 2024. Đặc biệt, Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035 đã được phê duyệt sẽ là 1 trong những lợi thế lớn” - ông Cẩm nhấn mạnh.

Từ những tín hiệu lạc quan đó, VITAS đưa ra mục tiêu phấn đấu tăng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2024 đạt 44 tỉ USD, tăng 9,2% so với năm 2023.

Theo ông Huỳnh Văn Chơi - Chủ tịch CĐCS Công ty Cổ phần Việt Hưng (TPHCM), tình hình đơn hàng của công ty có nhiều khởi sắc và doanh nghiệp đã ký được hợp đồng đến hết tháng 1.2024.

Bà Phan Thị Thiện - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Long Cương - cũng phấn khởi chia sẻ: Hiện doanh nghiệp đã ký được đơn hàng xuất khẩu đến hết năm 2024.

Tại các khu công nghiệp tại Thủ Đức (TPHCM), Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Giang... nhiều doanh nghiệp cũng cho hay, đã có đơn hàng xuất khẩu trong quý I/2024.

Giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng

Để đạt mục tiêu xuất khẩu 44 tỉ USD trong năm 2024, VITAS cho rằng, cần triển khai 5 giải pháp chính: đầu tư phát triển bền vững, mở rộng thị trường, phát triển cung ứng công nghệ, vốn đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực.

Đặc biệt, với giải pháp về đầu tư phát triển bền vững, VITAS sẽ thu hút các dự án dệt-nhuộm-hoàn tất công nghệ cao vào các khu công nghiệp, đầu tư sản xuất các loại nguyên liệu mới có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường cũng như phát triển ngành thời trang dệt may.

Đối với giải pháp về thị trường, tiếp tục đa dạng hóa nguồn cung nguyên phụ liệu, mở rộng thị trường xuất khẩu. Tăng cường liên kết chuyển dần từ gia công (CMT) sang FOB, ODM, OBM và tập trung phát triển thương hiệu, sản phẩm mới…

Về giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho quản trị, quản lý kỹ thuật, thiết kế ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ông Cẩm khẳng định: “Ngành dệt may xây dựng chiến lược nhân sự trong nâng cao năng lực quản lý sản xuất, chuỗi giá trị, nhân lực đào tạo cho các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề”.

Theo Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang, năm 2023 là giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử của xuất khẩu hàng dệt may, nhất là về thị trường và đơn hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung, con số kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may năm 2023 vẫn đạt 40 tỉ USD là sự bứt phá, cho thấy nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp.

VITAS cũng đánh giá, ngành dệt may tiếp tục đối diện với những khó khăn thách thức lớn về yêu cầu của thị trường. Trong đó việc áp dụng cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) cũng như Chiến lược “thời trang bền vững” thay cho “thời trang nhanh” đòi hỏi ngành dệt may trong nước phải nhanh chóng thay đổi toàn diện để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe trên toàn cầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn