MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giải pháp nào khắc phục tình trạng thiếu điện hiện nay

Cường Ngô LDO | 09/06/2023 13:00

Thời gian qua, việc cắt điện không phải chỉ luân phiên 1 - 2 giờ mà cả ngày lẫn đêm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống nhân dân, kinh tế xã hội. Tổng công suất lắp đặt hệ thống điện của Việt Nam lên tới 80.000 MW, vậy tại sao lại thiếu điện?

Duy nhất hồ thủy điện Hòa Bình còn nước

Nói lý do phải cắt điện, đại diện lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực cho biết, hai nguồn cung ứng lớn ở phía Bắc là thủy điện và nhiệt điện đều gặp khó khăn do nắng nóng, hạn hán khiến mực nước các hồ cạn và nhiều tổ máy gặp sự cố.

Về thủy điện, đến 6.6, hầu hết hồ lớn miền Bắc đã về mức nước chết, như: Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Bản Chát, Hủa Na, Thác Bà. Hiện duy nhất hồ thủy điện Hòa Bình còn nước và có thể duy trì phát điện đến khoảng ngày 12 - 13.6.

Về nhiệt điện, nhiều tổ máy bị sự cố kỹ thuật sau thời gian hoạt động tối đa trong thời gian dài, nguồn từ nhiệt điện chỉ cung ứng được 11.934 MW, chiếm 76,6% công suất lắp.

Ông Trần Đình Nhân - Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - cho biết, từ giữa tháng 4 đến nay, EVN gặp khó khăn cung ứng điện. "Miền Nam và miền Trung hoàn toàn đảm bảo, nhưng riêng miền Bắc còn nhiều khó khăn" - ông Nhân nói.

Thiếu điện vào mùa khô tại miền Bắc dù tổng công suất lắp đặt lên tới 80.000 MW. Ảnh: Nguyễn Long

Cần ít nhất 54.000 MW nguồn chủ động mới cảm thấy an toàn

Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình - Tạp chí Năng lượng Việt Nam - cho rằng, hiện nay, tổng công suất đặt của hệ thống điện vào khoảng gần 80.000 MW. Tuy nhiên, năm 2022, đỉnh phụ tải cao nhất đã đạt 45.528 MW vào ngày 21.6.2022, cao hơn kỷ lục của năm 2021 là 3.100 MW.

Năm 2023, đỉnh phụ tải có thể lên tới gần 49.000 MW. Trong đó, ngày 19.5.2023, công suất hệ thống đã lên mức cao nhất từ đầu năm tới nay, với 44.600 MW, tiêu thụ sản lượng điện là 932 triệu kWh.

Với tổng công suất lắp đặt 80.000 MW, phụ tải đỉnh (nhu cầu cực đại) lên tới 49.000 MW có thiếu điện không? Chuyên gia cho rằng, về nguyên tắc, nguồn điện chủ động (nguồn ổn định) phải lớn hơn phụ tải đỉnh từ 10 - 20%. Tức là Việt Nam cần ít nhất 54.000 MW nguồn chủ động mới cảm thấy an toàn. Còn nguồn năng lượng tái tạo chỉ thêm vào để tăng tỉ lệ cuối năm.

Nói về nguồn chủ động, ông Đào Nhật Đình cho rằng, nguồn điện than có 26.000 MW, điện khí là 7.000 MW, điện dầu vẻn vẹn 1.000 MW, điện sinh khối thấp nhất với 500 MW, tổng cộng mới đạt 34.500 MW. Kể cả thêm một nửa nguồn thủy điện với gần 11.000 MW vẫn chỉ có hơn 45.000 MW. Do vậy, thiếu điện vào thời cao điểm, theo ông Đào Nhật Đình "là lẽ dĩ nhiên".

"Nhìn hệ thống điện của Đức, nước có tỉ lệ điện năng lượng tái tạo cao vào loại nhất thế giới thì phụ tải đỉnh là 72.000 MW, trong khi điện chủ động (than, khí, sinh khối, 50% thủy điện, pin lưu trữ) đã lên tới 90.270 MW. Có nghĩa nguồn điện chủ động dư 25%, cộng với 140.000 MW năng lượng tái tạo nữa, suy ra tổng công suất đặt gấp 3 lần nhu cầu. Như vậy mới không xảy ra tình trạng thiếu điện" - ông nói.

Về giải pháp, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, yêu cầu EVN huy động mọi nguồn lực, các giải pháp kỹ thuật để duy trì độ sẵn sàng các nhà máy, tổ máy nhiệt điện và đẩy nhanh thời gian khắc phục sự cố.

"Chúng tôi cố gắng tăng huy động nhiệt điện để ngăn chặn suy giảm mực nước thủy điện; đẩy mực nước các hồ thủy điện lớn lên khỏi mực nước chết càng sớm càng tốt" - ông Hòa nêu.

Cùng đó, ngành điện đẩy nhanh đưa các nhà máy điện tái tạo chuyển tiếp vào vận hành. Hiện đã có 18 nhà máy chuyển tiếp, công suất gần 1.116 MW vận hành thử nghiệm và thương mại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn