MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giải pháp nào khi doanh nghiệp trây ì nộp lại hơn 800 tỉ đồng Quỹ bình ổn?

Anh Tuấn LDO | 26/02/2024 17:17

Theo Bộ Công Thương, tính đến nay 2 doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép là Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và Công ty TNHH Vận tải thuỷ bộ Hải Hà đều chưa nộp lại số tiền nợ Quỹ bình ổn giá xăng dầu và tiền lãi chậm nộp vào ngân sách.

Theo thông tin của Báo Lao Động, ngày 23.2, Bộ Công Thương có công văn đốc thúc Công ty TNHH Vận tải thuỷ bộ Hải Hà (Hải Hà Petro) nộp ngân sách với số tiền 612 tỉ đồng và tiền lãi phạt chậm nộp vào ngân sách.

Động thái này được thực hiện sau hơn 1 tháng Bộ Công Thương có văn bản gửi Hải Hà Petro đề nghị nộp tiền Quỹ bình ổn giá xăng dầu vào ngân sách nhà nước, nhưng Hải Hà Petro không hồi âm. Bộ này cùng Bộ Tài chính đã nhiều lần giục nhưng doanh nghiệp chưa nộp lại.

Hải Hà Petro là một trong số 3 doanh nghiệp đầu mối sử dụng sai Quỹ bình ổn giá xăng dầu, không kết chuyển về tài khoản quỹ mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp. Đơn vị này cũng khai thiếu, nợ thuế bảo vệ môi trường hàng nghìn tỉ đồng.

Một "ông lớn" xăng dầu khác cũng chưa nộp lại Quỹ bình ổn giá xăng dầu vào ngân sách nhà nước sau khi doanh nghiệp này bị tước giấy phép kinh doanh xăng dầu là Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ về thực hiện các quy định pháp luật trong quản lý, kinh doanh xăng dầu, ghi nhận tại thời điểm thanh tra, Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, nợ Nhà nước tiền thuế 1.246 tỉ đồng, nợ Quỹ bình ổn giá xăng dầu 212 tỉ đồng.

Như vậy, đến nay 2 doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép là Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và Hải Hà Petro đều chưa nộp lại số tiền nợ Quỹ bình ổn là 824 tỉ đồng và tiền lãi chậm nộp vào ngân sách.

Theo quy định tại Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, Quỹ bình ổn giá xăng dầu là tiền của người dân được thu qua giá bán lẻ xăng dầu nhằm mục tiêu bình ổn giá.

Quỹ này được lập tại doanh nghiệp khi Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh cho doanh nghiệp đầu mối. Tuy nhiên, việc này dẫn tới nguy cơ các doanh nghiệp chiếm dụng quỹ, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ hồi tháng 1.2024.

Một cửa hàng xăng dầu của Xuyên Việt Oil. Ảnh: Nguyễn Tùng

Một lãnh đạo Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì hướng dẫn, kiểm tra, giám sát đầu mối xăng dầu trích lập, chi sử dụng, quản lý Quỹ bình ổn xăng dầu. Bộ này đồng thời là đơn vị kiểm tra, kiểm soát nguồn nộp, cũng như chấp hành quy định về thu nộp và xử lý theo thẩm quyền hành vi vi phạm về thuế, phí, các khoản thu khác.

Tuy nhiên, với nhiệm vụ của mình, Bộ Công Thương đã liên tục có văn bản yêu cầu Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và Hải Hà Petro thực hiện việc nộp lại số dư Quỹ bình ổn xăng dầu sau khi doanh nghiệp này bị thu hồi giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu.

"Nếu đơn vị vẫn tiếp tục không thực hiện đúng quy định sẽ bị cưỡng chế tài sản", lãnh đạo Vụ thị trường trong nước nói về hướng xử lý.

Trả lời Báo Lao Động về việc hai "ông lớn" xăng dầu trây ỳ trong việc nộp lại tiền Quỹ bình ổn giá xăng dầu vào ngân sách Nhà nước, ông Nguyễn Văn Bình - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, những sai phạm của Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và Hải Hà Petro đang trong giai đoạn điều tra; hiện nhiều tài khoản ngân hàng cũng như tài sản của doanh nghiệp này bị phong toả.

Do vậy, Bộ Tài chính đang phối hợp với cơ quan tố tụng thực hiện việc thu hồi tiền Quỹ bình ổn giá xăng dầu vào ngân sách Nhà nước theo quy trình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn