MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dịp cuối năm, cảnh ùn tắc tại cửa khẩu Tân Thanh lại tái diễn. Ảnh: CHÍ NGUYÊN

Giải pháp nào xử lý ùn ứ nông sản tại cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn

THÔNG CHÍ - CAO NGUYÊN LDO | 09/02/2018 07:30

Về vụ ùn ứ hàng nghìn xe nông sản từ các tỉnh phía nam tại cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị (Lạng Sơn) để xuất hàng sang Trung Quốc, đại diện Cục Hải quan Lạng Sơn cho rằng, do tiểu thương đánh hàng ùn ùn lên cửa khẩu như đi chợ, không có hợp đồng mua bán nên dễ lâm vào tình trạng may rủi, vật vờ chờ người mua. Làm sao giải bài toán này?

Năm nào cũng tắc

Ghi nhận của PV Lao Động trong 2 ngày 7 và 8.2, tại thị trấn Đồng Đăng lên cửa khẩu Tân Thanh dài 12 km, liên tục xuất hiện những điểm xe kéo dài lên tới 10 container xếp hàng chờ. Từ đường quốc lộ vào cửa khẩu dài 4,4km nhưng các xe nằm chờ cả buổi chỉ nhích được vài mét. Tắc đường kéo theo mọi lực lượng từ hải quan, biên phòng, cảnh sát giao thông phải dàn trận, lập nhiều chốt kéo dài hàng chục cây số.

Tuy nhiên, đây không phải là điều mới xuất hiện, trong vòng 5 năm trở lại đây, năm nào vùng biên ải này từ khoảng 20 tháng chạp cũng tắc đường, tắc đường kéo dài tới tận 27-28 tháng chạp. Về nguyên nhân tắc hàng thì nhiều nguyên nhân được chỉ ra, theo hải quan cửa khẩu Tân Thanh, do cung vượt quá cầu, phía Trung Quốc chỉ đủ năng lực tiếp nhận khoảng 200 xe container các loại hoa quả gồm thanh long, nhãn, dưa hấu, bưởi…, trong khi các xe xếp hàng dài từ Đồng Đăng hơn nghìn xe.

Tuy nhiên theo quan sát của PV Lao Động, mặc dù cửa khẩu Tân Thanh tấp nập dẫn tới tắc đường hàng dài nhưng bãi xe tại cửa khẩu này cũng tương đối hạn chế, chỉ xếp được hơn 200 xe container. Còn phần lớn không gian xung quanh cửa khẩu là các dãy ki ốt bán hàng và chợ Tân Thanh, khu vực này chiếm tới 2/3 diện tích. Việc kinh doanh buôn bán tại chợ Tân Thanh cũng sầm uất, các xe cóc chở hàng, xe tải 5 tấn, 10 tấn liên tục vào ra lấy hàng. Điều này khiến cho lượng xe hàng nông sản đổ về dịp cuối năm làm cho mọi con đường dẫn vào Tân Thanh bị ùn ứ

Có giải được bài toán ùn tắc cửa khẩu?

Để giải quyết tình trạng ùn tắc tại cửa khẩu, trong những ngày vừa qua, các lực lượng chức năng tại cửa khẩu này đã làm việc hết công suất, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất như làm việc với các cơ quan chức năng bên kia biên giới về kéo dài thời gian làm việc. Cụ thể, trước đây chỉ mở của khẩu đến 17 giờ hằng ngày, thì nay mở cửa khẩu đến 21 giờ. Đồng thời, giải quyết làm thủ tục nhanh chóng, phân luồng xe hàng… để hàng hóa được thông quan một cách nhanh nhất có thể.

Trước tình trạng dồn ứ hàng nông sản diễn ra thường xuyên, năm nào lãnh đạo Sở Công Thương và các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn cũng trao đổi thông tin và khuyến cáo các tỉnh bạn nên quy hoạch, điều chỉnh sản lượng hàng hóa là nông sản phù hợp với nhu cầu tiêu thụ, cùng với đó là nên giãn thời gian thu hoạch, không nên dồn dập mang lên cửa khẩu, tránh tình trạng ùn tắc, gây thiệt hại cho người dân.

Tại cửa khẩu, các cơ quan chức năng cũng thường xuyên khuyến cáo các tư thương khi lượng hàng hóa trên cửa khẩu còn nhiều, chưa xuất bán được cần lùi thời gian, tiến độ mang hàng lên để tránh tình trạng ùn ứ, gây ách tắc. Với nỗ lực này, mỗi ngày thông quan thêm khoảng 100 xe.

Tuy nhiều giải pháp được đưa ra như lập nhiều chốt dừng tại quãng đường từ Đồng Đăng lên Tân Thanh, tăng giờ làm, huy động mọi lực lượng từ hải quan, biên phòng, cảnh sát giao thông để dẹp đường nhưng trao đổi với PV Lao Động, ông Vy Công Tường- Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn- cho rằng, các giải pháp trên vẫn mang tính tạm thời, dù làm hết sức nhưng năm sau lại vẫn ùn tắc. Ông Tường chỉ ra việc tắc kéo dài này chủ yếu do mặt hàng dưa hấu từ các tỉnh phía Nam kéo lên quá nhiều, mà để giải phóng được 1 xe dưa hấu thì lại mất quá nhiều thời gian.

Cụ thể, theo ông Tường, ở phía bên Trung Quốc đã cho xây dựng kho bãi Khả Phong (thị trấn Bằng Tường- Trung Quốc) tương đối rộng nhưng do mặt hàng dưa hấu chủ yếu được đưa sang mà không có hợp đồng mua bán từ trước nên phải mất rất nhiều thời gian tìm khách. “Các mặt hàng khác như nhãn, thanh long thì hầu hết đã có hợp đồng mua bán, nghĩa là tiểu thương Trung Quốc đã về tận vườn để chọn hàng, đóng hộp nên xuất sang là có người nhận, bán được luôn. Còn dưa hấu thì mang sang rồi phải đợi người mua, có khi đợi tới vài ngày chắc gì đã có khách”, ông Tường nói. Ngoài ra, khi tìm được khách thì việc tháo dỡ hàng, đóng hộp rồi chiếu xạ cũng mất rất nhiều thời gian. “Tôi sang bên đó thấy để dỡ xe dưa 20 tấn, có tới hơn 10 ngừời lên xe dỡ hàng, dỡ xong hàng thì tiểu thương Trung Quốc chọn từng quả, rồi phân loại, phân giá để đóng hộp. Thời gian như vậy, từ dỡ tới đóng hộp rồi kiểm tra chiếu xạ có khi mất cả buổi mới xong” - ông Tường nói.

Chính vì việc mất quá nhiều thời gian trong các khâu để bán hàng dưa hấu nên tỉnh Lạng Sơn đã đề nghị Bộ NNPTNT, Bộ Công thương có biện pháp can thiệp. “Lạng Sơn đã kiến nghị các tiểu thương xuất dưa hấu phải làm hợp đồng, đóng sẵn hộp để giao hàng, đỡ mất thời gian. Kiến nghị này được đưa ra cách đây 3 năm trước nhưng tới nay chưa thấy thay đổi gì”- ông Tường cho hay.

Việc buôn bán trao tay nên mặt hàng dưa hấu dễ bị tiểu thương Trung Quốc ép giá, ông Phan Cảnh Thành - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh - cho rằng: “Xe hàng dồn lên nhiều vào dịp cuối năm, không chủ động được về mặt giá cả nên việc bị ép giá là chuyện đương nhiên”. 

Ý kiến Tổng cục Hải quan về vấn đề ùn ứ ở Tân Thanh

Ông Nguyễn Dương Thái - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan: Trước mắt, vẫn phải áp dụng giải pháp tình thế như tăng thời gian làm việc tại cửa khẩu, làm thế nào để phối hợp với cơ quan địa phương đảm bảo an ninh trật tự cũng như lô hàng nào đến đó phải xếp hàng trật tự. Đây là câu chuyện không riêng của ngành nào mà đòi hỏi sự điều phối chung của Bộ Công Thương rất tích cực nhưng chưa giải quyết được. Về lâu dài, phải quy hoạch vùng trồng, cung cấp rau quả cho nước ngoài và nội địa cho phù hợp. K.H

Bộ Công Thương sẽ có chỉ đạo mạnh mẽ để kết nối thông suốt thông tin thị trường

Ngày 8.2, đại diện Bộ Công Thương cho biết, sự ùn ứ này bắt nguồn từ nguyên nhân DN Trung Quốc triển khai tuyển chọn và nhập hàng mất nhiều thời gian, đẩy việc thông quan bị chậm trễ. Bộ Công Thương đã thực hiện hướng dẫn, khuyến nghị các đơn vị tham gia hoạt động XK nông sản về dung lượng thị trường và điều kiện thông quan. Đồng thời, Bộ cũng đã lưu ý các Sở Công Thương có biện pháp tổ chức sản xuất, canh tác nông sản cho phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tế thị trường. Tới đây, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo mạnh hơn để các DN tiêu thụ nội địa và xuất khẩu có kết nối chặt chẽ với các địa phương và khu vực sản xuất. ĐỨC THÀNH

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn