MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Toạ đàm “Phục hồi tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh mới” tổ chức sáng 11.7 tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Đỗ Minh

Giải pháp tăng trưởng kinh tế đến từ đầu tư công và hạ lãi suất

Nhóm PV LDO | 11/07/2023 11:56

Tập trung đầu tư công, khuyến khích đầu tư tư nhân thông qua việc tiếp tục hạ lãi suất cho vay, kích thích tiêu dùng...là các giải pháp mà các chuyên gia kinh tế đề xuất trong buổi toạ đàm “Phục hồi tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh mới” tổ chức sáng 11.7 tại Hà Nội.

Kết thúc nửa chặng đường năm 2023, Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP 3,72%. Con số này được nhận định còn yếu so với kỳ vọng, mục tiêu đề ra, tuy nhiên, trước các diễn biến phức tạp và khó lường. Trên bình diện tổng thể, Việt Nam vẫn là một điểm sáng của khu vực Châu Á và thế giới.

Các chuyên gia nhận định, nửa cuối năm 2023, dù có những điểm sáng xuất hiện, tuy nhiên, xét trên bình diện quốc tế vẫn còn nhiều biến động phức tạp, khó lường, khó dự báo, trong khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, mức độ tổn thương cao. Xét trên bình diện trong nước, mặc dù với tinh thần quyết tâm cao, tuy nhiên, thời gian qua, nội tại nền kinh tế cũng đã bộc lộ nhiều điểm yếu, cả trong công tác quản lý, điều hành và năng lực ứng phó, vượt qua khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Phát biểu tại Tọa đàm Kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2023 với chủ đề “Phục hồi tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh mới”, TS. Johnathan Picus, Kinh tế Trưởng Chương trình phát triển Liên hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang dựa quá nhiều vào chính sách tiền tệ để kích cầu. Việc nới lỏng chuẩn cho vay và hạ thấp lãi suất làm giảm chất lượng tài sản, tạo ra bong bóng tài sản.

Việt Nam cần nhiều công cụ chính sách tài khoá hơn, cụ thể như đầu tư công cần tập trung, gắn liền với chính sách công nghiệp và thương mại. Hệ thống an sinh và trợ cấp xã hội cần mở rộng và hiện đại hoá.

PGS.TS Phạm Thế Anh phát biểu tại toạ đàm. Ảnh: Đỗ Minh.

Nhận xét về từng thành phần, trụ cột trong nền kinh tế, PGS.TS Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học, trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: Dù nhìn ở góc độ lạc quan, tăng trưởng hồi phục nhẹ nhưng các chỉ số đều ở mức thấp so với điều kiện bình thường và có nguy cơ kéo dài. Khu vực công nghiệp, đặc biệt là sản xuất chế biến chế tạo, chịu ảnh hưởng mạnh nhất.

Đề xuất các giải pháp kích cầu, gợi ý về chính sách, ông Thế Anh cho biết, cần khuyến khích đầu tư tư nhân thông qua việc tiếp tục hạ lãi suất cho vay như giảm chi phí vốn; Tăng khả năng tiếp cận vốn trên thị trường chứng khoán; kích thích được tiêu dùng nhờ sự hồi phục trên thị trường tài sản. Bên cạnh đó, sử dụng tín dụng thuế đầu tư ngắn hạn; Cần kiểm soát tăng trưởng cung tiền quan 10%; Tránh nôn nóng hạ lãi suất chính sách dồn dập; Ưu tiên sử dụng các biện pháp tài khoá.

Đồng thời, ông Thế Anh nhấn mạnh, cần tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công, tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng, tránh dàn trải. Phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân. Bổ sung hoặc xây dựng mới các trường học công đáp ứng đủ nhu cầu xã hội.

Kích thích tiêu dùng thông qua trợ cấp an sinh xã hội cho hộ nghèo và người bị mất việc, nâng mức thu nhập chịu thuế, giảm VAT hàng thiết yếu.

Dự báo tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, bà Dorsati Madani - Chuyên gia kinh tế cao cấp, Ngân hàng Thế giới cho biết: "Dự báo năm 2023 GDP Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng dưới 5%. Phục hồi đến khoảng 5,5-6% vào năm 2024".

Bên cạnh sự đồng tình về các giải pháp tập trung giải ngân đầu tư công, bà Dorsati Madani đề xuất các biện pháp ứng phó với khủng hoảng bao gồm tháo gỡ khó khăn trên thị trường tín dụng. Theo đó, để cải cách cơ cấu trong trung hạn, cần củng cố hệ số an toàn vốn của ngân hàng; tăng cường các khuôn khổ thể chế để giám sát cẩn trọng, can thiệp sớm, xử lý ngân hàng và quản lý khủng hoảng; tăng cường khung pháp lý về xử lý ngân hàng yếu kém.

Bà Madani nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung luật các tổ chức tín dụng và luật ngân hàng nhà nước có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giải quyết các hạn chế mang tính cơ cấu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn