MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giải pháp thiết thực với giới đầu tư tư nhân

Thu Giang LDO | 09/07/2022 15:00

Việc xăng dầu tăng giá quá cao đang gây sức ép lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Các chuyên gia cho rằng, cần nhanh chóng có chính sách giảm thuế, chính sách hỗ trợ trực tiếp, đồng hành cùng doanh nghiệp (DN), đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân sau dịch COVID-19.

Gặp nhiều trở ngại

Theo tìm hiểu của PV, hiện cả nước có hơn 800.000 DN tư nhân đang hoạt động, đóng góp hơn 40% tổng sản phẩm nội địa (GDP), 30% ngân sách nhà nước và tạo việc làm cho hàng chục triệu người lao động. Nhiều DN tư nhân đã và đang trở thành “cánh chim đầu đàn” với giá trị vốn hóa trên 1 tỉ USD, khẳng định thương hiệu, vị trí trên thị trường trong nước và quốc tế. 

Ông Nguyễn Tiến Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam cho rằng, sau Tết Nguyên đán 2022, DN đã liên tục nhận được thông báo tăng giá nguồn nguyên liệu sản xuất từ các nhà cung ứng với mức đề xuất tăng từ 5 - 10% từ quý II.2022. 

  Việc xăng dầu tăng giá quá cao đang gây sức ép lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân. Ảnh minh hoạ: BC

Mặc dù DN đã cố gắng thương thảo để giữ giá, song đến nay, trước tình hình giá xăng tiếp tục tăng cao thì DN không thể không điều chỉnh giá bán lẻ. Thực tế này đang đẩy DN rơi vào thế "khó chồng khó", do những đơn hàng cung ứng ra thị trường đã được chốt giá trước từ tháng 1.2022. 

Cũng rơi vào tình thế khó khăn, ông Đỗ Văn Toán (Chủ doanh nghiệp sản xuất lưới, kéo sợi PE tại Nam Định) chia sẻ, DN đang gặp rất nhiều khó khăn sau ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Gần đây, do lượng xuất khẩu thủy sản vào thị trường Trung Quốc giảm mạnh, giá xăng dầu tăng cao nên việc tiêu thụ vật tư, sản phẩm lưới cước phục vụ đánh bắt thuỷ hải sản của DN cũng bị ngưng trệ, hầu như không bán được. 

"Lượng hàng tồn kho của DN hiện đang rất nhiều. Trong khi đó, giá xăng dầu ngày một tăng cao, nhiều tàu đánh bắt hải sản tại đây đã phải giãn, thậm chí dừng việc ra khơi vì sợ thua lỗ. Số lượng ngư cụ, sản phẩm lưới sợi PE tiêu thụ vì thế cũng giảm mạnh" - ông Đỗ Văn Toán (Chủ doanh nghiệp sản xuất lưới, kéo sợi PE ở Nam Định) cho hay. 

Cần giải pháp đồng bộ, thiết thực

Nhiều chuyên gia nhận định, những năm gần đây, DN tư nhân đã có rất nhiều đóng góp đối với đất nước. Tuy nhiên, lực lượng DN tư nhân cũng đang bộc lộ những tồn tại chưa thể khắc phục như tình trạng lạc hậu về công nghệ, chất lượng nhân lực thấp và không đồng đều, hạn chế về năng lực quản trị, thiếu vốn.

Do gánh chịu những khó khăn liên tục, “sức khỏe” của nhiều DN tư nhân cũng đang dần suy kiệt, một số bộ phận DN cũng đã có động thái rút lui khỏi thị trường, rất cần chính sách, hỗ trợ có hiệu quả trong thời gian tới.

Theo ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, chất lượng, môi trường đầu tư, kinh doanh của DN tư nhân những năm gần đây đã và đang cải thiện rõ nét. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang có động thái, chỉ đạo, triển khai nhiều chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô gần 350.000 tỉ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2023.

Trong đó, phần hỗ trợ phục hồi DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh là 110.000 tỉ đồng. Từ đầu năm 2022 đến nay, DN tư nhân đang phục hồi rõ nét với khoảng 98,6 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định, Chính phủ đang tập trung hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý và tăng cường hỗ trợ DN. Các cấp, các ngành cũng đang nghiên cứu, tìm kiếm các nguồn lực, tạo chính sách, thể chế để hỗ trợ các DN phát triển bền vững. Trong đó, mục tiêu quan trọng là ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cấp dây chuyền sản xuất…

“Việc giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% để giảm gánh nặng chi phí cho DN là động thái kịp thời và thiết thực đối với DN tư nhân. Chính sách này có độ lan tỏa rất rộng, tác dụng rõ ràng. Việc sẵn sàng thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay 2% cũng đang là điều kiện tốt để nhân lên niềm tin trong cộng đồng DN nói chung” - ông Đinh Trọng Thịnh (chuyên gia kinh tế, Học viện Tài chính) nhìn nhận. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn