MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
EVN vẫn gặp nhiều khó khăn về tài chính. Ảnh: EVN

Giải pháp tiết kiệm không đủ để EVN cân bằng được tài chính

Cường Ngô - Giang Linh LDO | 01/11/2023 18:08

Đại biểu Quốc hội cho rằng, những giải pháp tiết kiệm điện chỉ mang tính chất hỗ trợ, không đủ để EVN đảm bảo cân bằng được tài chính.

Cần xác lập, tính toán đầy đủ các yếu tố đầu vào, đầu ra

Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giá thành sản xuất điện năm 2023 được ước tính khoảng 2.098 đồng/kWh, cao hơn giá bán lẻ điện bình quân khoảng 178 đồng/kWh.

Như vậy, mặc dù giá bán lẻ điện đã được điều chỉnh tăng 3% từ ngày 4.5, doanh thu của EVN năm 2023 tăng thêm khoảng 8.000 tỉ đồng nhưng chỉ giải quyết được một phần khó khăn về tài chính và EVN vẫn phải tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn trong cân bằng tài chính.

Trao đổi với Lao Động bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Văn Lâm - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, mấy năm gần đây, chi phí giá thành sản xuất điện tăng cao.

Cụ thể, các điều kiện đầu vào, vốn, tỉ giá, thậm chí giá các năng lượng khác cũng cao, nhưng giá điện của Việt Nam vẫn thấp, có tăng nhưng hầu như không đáng kể.

“Hiện nay, EVN chưa thực sự được hạch toán độc lập, chưa được tự chủ tài chính, bởi EVN được nhà nước giao nhiều nhiệm vụ, đa mục tiêu. Trong đó, nhiệm vụ cao nhất là cung ứng điện cho đất nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, bao gồm cả việc thực hiện trách nhiệm xã hội khi duy trì mức giá bán lẻ điện ổn định theo chỉ đạo của chính phủ.

Chính vì vậy, trong giai đoạn này, EVN vẫn phải chịu lỗ, giữ giá điện thấp đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát”, ông Trần Văn Lâm nói.

Đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, EVN vẫn phải chịu lỗ, giữ giá điện thấp đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Ảnh: Nguyên Phong

Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Văn Lâm, ngành điện cũng phải đảm bảo các cân bằng tài chính, cân bằng thu chi, khắc phục tình trạng thua lỗ. Do vậy, ngoài việc tiết giảm các chi phí thì Chính phủ, Hội đồng Giá quốc gia cần xác lập, tính toán đầy đủ các yếu tố đầu vào, đầu ra của giá điện xem xét việc điều chỉnh giá điện phù hợp.

Ông Trần Văn Lâm cho rằng, để tính đúng, tính đủ giá điện và đưa ra tiệm cận thị trường, đầu vào tăng, đầu ra tăng, ngược lại đầu vào giảm, đầu ra giảm tương ứng, cần có cơ chế hỗ trợ phù hợp và tách bạch. Khi đó, EVN và các đơn vị không phải gánh lỗ như hiện nay.

Cho phép điều chỉnh giá điện để thu hồi các chi phí chưa được tính đầy đủ

Trước đó, trao đổi với Lao Động về các giải pháp giúp EVN có thể tiến tới cân bằng tài chính, ông Trần Việt Hoà - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho rằng, thực tế thời gian qua và hiện nay, EVN đã tiến hành nhiều giải pháp để góp phần cân bằng tài chính như phát động phong trào tiết kiệm điện trên toàn quốc, giải pháp về tiết kiệm điện.

"Tuy nhiên, những giải pháp nêu trên chỉ mang tính chất hỗ trợ, để đảm bảo cân bằng được tài chính thì quan trọng nhất vẫn là giảm giá nhiên liệu bán cho điện từ các nhà cung cấp trong nước, huy động tối ưu các nguồn phát điện, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và cho phép điều chỉnh giá điện để thu hồi các chi phí chưa được tính đầy đủ vào giá điện" - ông nói.

Tại tọa đàm "Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp" tổ chức ngày 26.9, ông Nguyễn Xuân Nam - Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, 2022 là một năm rất khó khăn đối với Tập đoàn, có thời điểm, giá than đã tăng gấp 5 lần, lên đến 400 USD/tấn. Giá dầu cũng tăng gấp đôi.

Điều này khiến giá vốn sản xuất điện tăng lên, đẩy giá điện mua vào cũng tăng theo, gây ra những khó khăn tài chính cho EVN. Sang đến năm 2023, giá các mặt hàng cũng đã hạ nhiệt, nhưng vẫn ở mức cao. "Mặc dù giá điện đã được tăng 3% nhưng cũng chỉ giải quyết được một phần nào", ông Nam nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn