MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giải tỏa nhân sự “huyết thống” và tư duy kinh tế một container

Nguyễn Minh Nhị (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang) LDO | 21/04/2022 17:06

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang là vùng trũng nên cần chính sách đột phá toàn diện, trước mắt là vấn đề nhân sự và tư duy kinh tế.

Mặt bằng chung về tri thức ở ĐBSCL đang ở mức thấp. Điều này không chỉ ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, thế mạnh chủ lực của vùng đất, mà còn ảnh hưởng đến văn hóa, dinh dưỡng. Tôi nhớ từng có thông tin ghi nhận: Văn hóa, giáo dục, dinh dưỡng vùng ĐBSCL tương đương với vùng Tây Nguyên, thật đáng lo ngại.

Ông Nguyễn Minh Nhị - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang. Ảnh: LT

Vì vậy, vấn đề xây dựng chính sách để tăng cường đào tạo tại chỗ đáp ứng nhu cầu thực tiễn và thu hút nguồn nhân lực các nơi đến và gắn bó lâu dài để tạo ra sự phát triển ổn định, bền vững cho ĐBSCL là cần làm ngay và duy trì một cách thường xuyên, liên tục.

Nhưng một vấn đề không kém phần quan trọng sau đó là phải có chính sách đột phá về sử dụng nguồn nhân lực này một cách khoa học, công khai, minh bạch. Nói cụ thể hơn là mạnh dạn thay đổi cách bố trí nhân lực trên cơ sở dựa trên nền tảng năng lực, chất lượng mà phân công, bố trí, bổ nhiệm công việc, vị trí, lĩnh vực... thích ứng để khai thác tốt nhất tiềm năng con người.

Nông nghiệp, thế mạnh của vùng ĐBSCL. Ảnh: LT

Mặt khác, nên quyết tâm giải tỏa việc bố trí nhân sự theo “huyết thống”, hay như câu nói mà dân gian lưu truyền: “Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ”.

Thực tế cho thấy, câu nói “một người làm quan, cả họ được nhờ” vẫn còn là một nhức nhối cho xã hội và cản trở bánh xe phát triển. Có thể đây không phải là căn bệnh của riêng vùng ĐBSCL, nhưng với vị thế vùng trũng như hiện nay, hơn đâu hết vùng ĐBSCL cần có cách làm “mạnh tay” để xử lý vấn đề một cách quyết liệt và dứt khoát. 

Bởi điều này không chỉ dẫn đến hệ lụy “ngồi nhầm ghế”, không phát huy được thế mạnh cần thiết cho sự phát triển, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến không khí làm việc, sự cống hiến của các nhân lực khác. Vì thông thường khi phân công, bổ nhiệm... theo “huyết thống” người ta hay bỏ qua yếu tố năng lực, hoặc đặt vấn đề năng lực chuyên môn không cao nên dễ dẫn đến “hiệu ứng ngược”.

Cần có chính sách mang tính đột phá về vấn đề đào tạo và sử dụng nhân sự một cách khoa học, công khai, minh bạch. Ảnh: LT

Do năng lực có hạn nên người có chức vụ kiểu này ít quan tâm đến chuyên môn trong điều hành, quản lý và chỉ đạo... mà hay hướng đến mục tiêu khác. Điều này vừa khiến cho vấn đề bị chậm lại hoặc lệch hướng đi đúng mà thậm chí còn làm buồn lòng các cộng sự có năng lực, khi những tâm huyết, đóng góp của họ không được ghi nhận. Dần dần, nhiệt tình, chất lửa đóng góp nguội lạnh theo thời gian. Đó cũng là lý do vì sao có nhiều tiềm năng nhưng ĐBSCL vẫn là vùng trũng.    

Quan trọng tiếp theo là cần có chế tài hoặc hành lang chính sách để ngăn chặn và chấm dứt kiểu tư duy kinh tế một container. Điều này thể hiện ở hai khía cạnh. Đó là việc cố công dồn sức kết nối để xuất khẩu bằng được nông sản cho dù chỉ là một container, chủ yếu để lấy tiếng, rồi sau đó bất chấp, hoặc chẳng quan tâm thêm.

Thực tế cho thấy, rất nhiều địa phương làm lễ xuất lô hàng ra nước ngoài với nghi thức hoành tráng, nhưng sau đó thì im ru và cũng ít thấy người có trách nhiệm nhắc đến với tinh thần trách nhiệm.

Nông nghiệp, thế mạnh của vùng ĐBSCL. Ảnh: LT

Thứ hai là sau khi đã xuất hàng, được chấp nhận, đạt yêu cầu chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm thì “trở bộ”: Pha tạp hoặc trộn lẫn và bị các nhà nhập khẩu từ chối như “tôm rau câu”, “tôm đầu đinh” chẳng hạn. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho cá nhân doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng đến uy tín lâu dài của quốc gia, nhưng dường như đến nay vẫn chưa có chế tài đủ sức răn đe.

Theo tôi cần mạnh tay với các doanh nghiệp có cách làm kiểu “vô đạo đức” thế này. Chỉ có như vậy thì nông sản vùng ĐBSCL mới rộng đường xuất khẩu, đời sống đại bộ phận người dân ở đây mới phát triển. Pháp lý đã có sẵn, thậm chí có thể soạn thảo, ban hành mới để thích ứng với nhu cầu phát triển xã hội, vấn đề là cần có nhạc trưởng đủ sức chỉ huy thực hiện một cách đồng bộ, thiết thực và hiệu quả. Đó là điều mà ĐBSCL đã và đang trông chờ cho hành trình chuyển mình, phát triển.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn