MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giải tỏa tâm lý găm giữ USD

Quang Dân LDO | 30/12/2022 10:47

Bộ Tài chính Hoa Kỳ đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỉ giá của Ngân hàng Nhà nước. Trong năm 2022, dù có nhiều thời điểm biến động nhưng tiền đồng vẫn ổn định và có mức giảm thấp hơn so với rất nhiều đồng tiền khác. Đáng chú ý, tâm lý găm giữ USD có thể đã được giải tỏa nhờ chênh lệch tăng cao giữa lãi suất huy động VND và USD.

Tâm lý găm giữ USD có thể đã được giải tỏa nhờ chênh lệch tăng cao giữa lãi suất huy động VND và USD. Ảnh: Đình Hải
Điều hành tỉ giá của NHNN được đánh giá cao

Năm 2022, thị trường tài chính quốc tế có nhiều biến động rất mạnh. Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) nhiều lần tăng lãi suất đồng USD. Để hỗ trợ xuất khẩu và đối phó lạm phát, nhiều ngân hàng trung ương lớn như Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Anh (BOE)... đồng loạt tăng lãi suất đồng nội tệ.

Các đồng tiền lớn, đặc biệt là USD mạnh lên, gây áp lực lên tỉ giá USD/VND. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhanh chóng đưa ra biện pháp, đó là tăng lãi suất tiền đồng với biên độ phù hợp. Kết quả là dù đi lên nhưng lãi suất tiền đồng vẫn có tốc độ tăng trưởng thấp hơn thế giới, từ đó giúp tỉ giá ổn định. 

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, với nhiều nỗ lực, cố gắng trong làm việc và đàm phán của Chính phủ và NHNN, ngày 10.11.2022, Bộ Tài chính Hoa Kỳ ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ”.

Đáng chú ý, trong kỳ báo cáo này, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách giám sát về thao túng tiền tệ, đồng thời, đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỉ giá của NHNN trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Phó Thống đốc khẳng định mặc dù chịu nhiều khó khăn, thách thức, thị trường ngoại tệ cơ bản ổn định, tỉ giá được điều hành chủ động, linh hoạt để thích ứng trước diễn biến khó lường và áp lực lớn của thị trường quốc tế.

“Hoạt động trên thị trường ngoại tệ về cơ bản diễn ra thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được các tổ chức tín dụng đáp ứng, trong đó có nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin thêm về tình hình ngoại tệ. 

Tỉ giá tăng nhẹ, tâm lý găm giữ USD được giải tỏa

Diễn biến thị trường cũng cho thấy biến động của tỉ giá USD/VND là tương đối nhẹ. Tại ngày 29.12.2022, các ngân hàng thương mại và cả trên thị trường tự do, tỉ giá được giao dịch dưới mốc 24.000 đồng/USD dù trước đây, có thời điểm tỉ giá lên tới 25.000 đồng/USD.

Cụ thể, tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), tỉ giá niêm yết ở mức: 23.460 đồng/USD (mua vào) - 23.780 đồng/USD (bán ra), tăng 860 đồng/USD, tương đương 3,75% so với phiên cuối cùng của năm 2021. Tỉ giá tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) niêm yết ở mức: 23.520 đồng/USD - 23.800 đồng/USD, tăng 840 đồng/USD, tương đương 3,66%.

Tại các ngân hàng thương mại cổ phần, biên độ của tỉ giá rộng hơn một chút. Tại ngày 29.12, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) giá USD được mua bán ở mức 23.550 đồng/USD - 23.790 đồng/USD, tăng 940 đồng/USD, tương đương 4,11%. Tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), tỉ giá giao dịch ở mức: 23.530 đồng/USD - 23.790 đồng/USD, tăng 900 đồng/USD, tương đương 3,93%. 

Đáng chú ý nhất, giá USD trên thị trường do lần lượt “thủng” mốc 25.000 đồng/USD, rồi đến 24.000 đồng/USD. Hiện tại, đồng USD trên thị trường tự do không có nhiều chênh lệch so với thị trường ngân hàng khi giao dịch ở mức: 23.650 đồng/USD - 23.830 đồng/USD. 

Trong khi đó, nhiều đồng tiền lớn trên thế giới đã ghi nhận tốc độ giảm rất sâu. Yên Nhật thậm chí còn xuống “đáy” 32 năm so với đồng USD. 

Nhưng quan trọng hơn cả chính là thị trường hạn chế được tình trạng găm giữ USD. Công ty chứng khoán SSI nhận định: “Nhìn chung, tâm lý găm giữ USD có thể đã được giải tỏa nhờ chênh lệch tăng cao giữa lãi suất huy động VND và USD. Bên cạnh đó, các yếu tố cơ bản liên quan đến nguồn cung ngoại tệ cũng có nhiều điểm tích cực, như dòng vốn FDI giải ngân, FII, cán cân thương mại thặng dư hay dòng tiền từ các khoản vay ngoại tệ mới được giải ngân”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn