MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giảm 10% giá điện cho tất cả khách hàng: Càng nghèo, càng ít lợi

Cường Ngô LDO | 24/04/2020 18:49

Việc giảm giá 10% tiền điện áp dụng cho tất cả đối tượng khách hàng, nhiều chuyên gia cho rằng, những hộ có hoàn cảnh khó khăn, người thu nhập thấp không được hưởng lợi nhiều, bởi chỉ giảm từ 5.000-10.000 đồng cho hoá đơn 50.000-100.000 đồng/tháng.

Trao đổi với phóng viên, ông Mai Trường Giang - Tổng giám đốc Công ty cổ phần TGFOOD cho hay, mọi đối tượng có mức sử dụng và tiêu thụ điện năng khác nhau, chính vì vậy, không nên "cào bằng" cho tất cả đối tượng. Theo khảo sát của một nhóm chuyên gia, tháng 3 vừa rồi hoá đơn tiền điện đều tăng từ 30-50% do người dân ở nhà, thực hiện giãn cách xã hội, nên giảm giá điện 10%, thực sự rất nhỏ giọt.

"Là doanh nghiệp kinh doanh chuỗi nhà hàng ăn uống, tôi đề xuất giảm giá từ 30-50% giá điện vào giờ cao điểm, đối với giờ thấp thiểm và giờ bình thường thì không cần thiết giảm giá", anh Giang cho hay.

GS Phạm Duy Hiển, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng cũng không đồng tình với việc giảm 10% giá điện cho tất cả khách hàng. Ông cho rằng -  những nguời thu nhập thấp, một tháng họ chỉ sử dụng hết khoảng 50.000 - 100.000 đồng tiền điện, nếu giảm 10%, họ chỉ giảm được 5.000-10.000 đồng/tháng (dưới 100kWh), không đáng là bao.

"EVN giảm 100% tiền điện cho những hộ nghèo, người thu nhập thấp, công nhân ở các khu công nghiệp, từ 3-6 tháng. Còn những hộ gia đình ở thành phố, mức tiêu thụ điện năng lớn (mức 4, mức 5), việc giảm một vài chục nghìn đồng cũng không có nhiều ý nghĩa", GS Hiển nói và cho hay, đơn vị quản lý nhà nước khi đưa ra chính sách hỗ trợ cho người dân trong thời điểm dịch COVID-19 cần đi vào từng đối tượng cụ thể, chặt chẽ và công bằng.

TS Đinh Hà Sơn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam) cho biết, có những đối tượng rất cần được hỗ trợ về điện - đó là hộ nghèo và những doanh nghiệp cần bảo quản nông sản. Đối với những doanh nghiệp bảo quản nông sản, sản phẩm họ đã thu mua rồi, phải sử dụng kho lạnh để bảo quản qua đợt giãn cách xã hội và cao điểm của dịch.

Chính vì vậy, rất cần thiết hỗ trợ điện năng cho những đối tượng này. Còn những doanh nghiệp vẫn sản xuất, kinh doanh được, vẫn có đơn hàng, doanh thu ít ảnh hưởng thì không cần thiết phải giảm giá điện.

Trao đổi về vấn đề giảm 10% giá điện cho các đối tượng khách hàng, đại diện Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho Lao Động biết, theo thống kê của EVN, trong tổng số hơn 26 triệu khách hàng sinh hoạt đang mua điện của EVN, có xấp xỉ 23 triệu khách hàng chiếm tỷ lệ trên 85% có mức bình quân sử dụng điện dưới 300 kWh/tháng.

Phần lớn các khách hàng thuộc nhóm này là người lao động, công chức, viên chức, công nhân và người làm công ăn lương. Số tiền hỗ trợ giảm giá cho khách hàng sinh hoạt trong các tháng 4, 5, 6 - ước khoảng 2.930 tỉ đồng.

"Cùng với các hỗ trợ khác của Chính phủ, mức hỗ trợ giảm giá điện nêu trên sẽ góp phần trực tiếp giảm bớt khó khăn cho người lao động do ảnh hưởng dịch COVID-19.

"Để đảm bảo việc hỗ trợ giảm giá điện và giảm tiền điện trong thời gian ảnh hưởng của dịch được áp dụng đúng đối tượng, đúng thời gian, chúng tôi sẽ thực hiện kiểm tra, giám sát các đơn vị điện lực thực hiện đúng hướng dẫn về giảm giá điện, giảm tiền điện", đại diện Cục Điều tiết Điện lực cho hay.

Chi tiết giảm giá điện. Đồ hoạ:PD.TA 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn