MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, việc giảm một nửa thuế suất nhập khẩu ưu đãi với xăng có nhiều ý nghĩa về nguồn cung hơn là giúp giảm giá. Ảnh: Ngọc Lê

Giảm 10% thuế nhập khẩu xăng, giá xăng giảm được bao nhiêu?

Cường Ngô LDO | 09/08/2022 17:23

Theo chuyên gia, việc giảm 10% thuế MFN với xăng động cơ, xăng không pha chì không giúp nhiều cho việc giảm giá xăng. Nhưng việc giảm thuế này sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung từ các quốc gia khác.

Tại Nghị định 51/2022 sửa đổi thuế nhập khẩu ưu đãi với xăng, Chính phủ đồng ý giảm một nửa thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) với xăng, về còn 10% từ ngày 8.8.

Theo đó, mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi (MFN) với xăng động cơ, không pha chì sẽ giảm một nửa, từ 20% xuống còn 10%. Việc giảm này được cấp có thẩm quyền đưa ra trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài chính vào tháng trước.

Thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) là thuế được áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu từ các nước và vùng lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc trong quan hệ với Việt Nam.

Bình luận về tác động của chính sách mới này với thị trường xăng dầu, ông Trịnh Quang Khanh - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam - chia sẻ, việc giảm 10% thuế MFN với xăng động cơ, xăng không pha chì không giúp nhiều cho việc giảm giá xăng, bởi tỉ trọng nhập khẩu từ các nước áp thuế này hiện chiếm không đáng kể trong tổng lượng xăng tiêu thụ cả nước.

Nhưng việc giảm thuế này sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung từ các quốc gia khác như Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia khu vực Trung Đông. Việc này giúp tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một số đối tác như hiện nay nếu nguồn cung trên thị trường thế giới biến động.

Bởi lẽ, hiện nay, các thị trường nhập khẩu xăng dầu thành phẩm chủ yếu của Việt Nam là Đông Nam Á (Singapore, Malaysia, Thái Lan...), Hàn Quốc, Trung Quốc.

Đây là những thị trường Việt Nam có thể tận dụng ưu đãi thuế nhập khẩu từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) và Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) đã ký, với ngưỡng thuế suất nhập khẩu xăng là 8%.

“Mức này còn thấp hơn cả mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN sau khi giảm. Do đó, việc giảm thuế MFN không có tác dụng giảm giá xăng dầu trong nước” - ông Khanh nói.

Thực tế, năm 2021, tổng kim ngạch nhập khẩu có thuế mặt hàng xăng dầu của nước ta là 475,26 triệu USD. Trong đó, nhập khẩu từ các nước có ký kết Hiệp định FTA với nước ta là 474,1 triệu USD (chiếm 99,7%) và trong 5 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch nhập khẩu có thuế mặt hàng xăng là 826,53 triệu USD, cơ bản cũng được nhập khẩu từ các nước có ký kết hiệp định FTA với nước ta.

Theo Bộ Tài chính, tỉ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu của Việt Nam hiện vẫn thấp hơn mức bình quân chung của nhiều nước. Chẳng hạn, thuế trong giá xăng ở nhiều nước hiện dao động 40-55%, dầu là 35-50%, trừ một số quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thì có tỉ trọng thấp hơn.

Tại Việt Nam, sau 2 lần giảm thuế bảo vệ môi trường vào tháng 4 và 7, hiện thuế trong giá xăng chiếm khoảng 19,4-22% (với xăng E5 RON 92 hoặc RON 95-III) và 11,05% (với dầu diesel).

Trong kỳ điều hành gần nhất vào ngày 1.8, nhà điều hành đã giảm giá xăng trong nước lần thứ 4 liên tiếp. Theo đó, trong kỳ điều hành này, giá xăng E5RON92 giảm 444 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 462 đồng/lít; dầu  diesel  0.05S giảm 950 đồng/lít; dầu hỏa giảm 713 đồng/lít; chỉ duy nhất dầu mazut giữ nguyên mức giá so với điều chỉnh kỳ trước (21.7).

Như vậy, giá xăng trong nước đã có 4 kỳ điều chỉnh giảm liên tiếp. So với cuối tháng 6, mỗi lít RON 95-III rẻ hơn khoảng 7.279 đồng/lít; E5 RON 92 hạ 6.680 đồng/lít; dầu diesel giảm 6.110 đồng/lít.

Hiện giá bán xăng dầu trong nước ở thời điểm hiện tại là:

- Xăng E5RON92: không cao hơn 24.629 đồng/lít.

- Xăng RON95-III: không cao hơn 25.608 đồng/lít.

- Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 23.908 đồng/lít.

- Dầu hỏa: không cao hơn 24.533 đồng/lít.

- Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 16.548 đồng/kgb.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn