MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giảm lãi suất nhưng phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân giúp doanh nghiệp sớm tiếp cận vốn

Cường Ngô LDO | 20/06/2023 13:38
Theo Đại biểu Quốc hội, việc giảm lãi suất là tín hiệu rất tích cực, nhưng các ngân hàng cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân, giúp doanh nghiệp sớm tiếp cận vốn.

Tiến độ giải ngân rất quan trọng

Trả lời Lao Động bên hành lang Quốc hội, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội) đánh giá cao việc Ngân hàng nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng triệt để tiết giảm chi phí để có thể giảm lãi suất cho vay, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh.

Theo đại biểu Tiến Lộc, việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay, thực hiện mục tiêu giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Quyết định của Ngân hàng Nhà nước trong việc giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng Việt Nam đồng của tổ chức tín dụng lần này tạo điều kiện để doanh nghiệp, người dân có thể tiếp cận nguồn vốn vay chi phí thấp, phục vụ sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực trọng yếu là động lực cho tăng trưởng kinh tế theo đúng chủ trương của Chính phủ.

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc. Ảnh: Nguyễn Tuấn

Tuy nhiên, đại biểu Lộc cũng cho rằng, trong lĩnh vực tín dụng hiện nay, ngoài giảm lãi suất thì tốc độ về thời gian giải ngân của các ngân hàng, tiếp cận vốn của doanh nghiệp cũng là yếu tố quan trọng đưa doanh nghiệp đến thành công hay thất bại.

“Nếu kéo dài thời gian làm các thủ tục hành chính trong quá trình giải ngân vay vốn sẽ khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Ngược lại, nếu triển khai nhanh, rút ngắn thời gian giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn sẽ giúp cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh nhanh nhất” - ông Lộc nói.

Mới chỉ giảm lãi suất huy động?

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, các doanh nghiệp mong muốn tiếp cận được vốn vay một cách nhanh nhất là mong mỏi rất chính đáng, nhưng phía ngân hàng cũng không thể có sự đột phá được, bởi mỗi ngân hàng phải nằm trong quy định về an toàn tín dụng và an ninh của chính các ngân hàng chứ không thể doanh nghiệp muốn vay thật nhanh là được.

Do vậy, vấn đề quan trọng nhất là phải hạ lãi suất, còn các doanh nghiệp phải tìm mọi cách để đáp ứng yêu cầu của ngân hàng để vay vốn chứ còn vay tín chấp hoặc rút ngắn quy trình vay, gặp rủi ro thì ai chịu.

“Quan trọng nhất phải giảm lãi suất cho vay, bởi thực tế đến thời điểm này, chúng ta mới chỉ cơ bản thấy Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất cơ bản điều hành, giảm lãi suất huy động, còn lãi suất cho vay chưa giảm nhiều. Nhất là các ngân hàng thương mại chưa giảm lãi suất cho vay tương xứng với mức giảm của Ngân hàng Nhà nước và mức giảm lãi suất huy động. Do vậy, hiện nay, nhiều ngân hàng thương mại vẫn được hưởng mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay” - ông Phong nói.

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước chính thức áp dụng việc giảm lãi suất điều hành, loạt ngân hàng thương mại đã có động thái điều chỉnh biểu lãi suất huy động.

Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại các ngân hàng được điều chỉnh giảm từ mức 5%/năm xuống 4,75%/năm theo quy định mới của NHNN về mức trần lãi suất tại các kỳ hạn này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn