MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giảm lãi vay là một thách thức với ngân hàng. Ảnh: Hải Nguyễn

Giảm lãi suất vay vẫn là một thách thức

Gia Miêu LDO | 26/01/2023 17:10

Mặt bằng lãi suất huy động được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong nửa đầu năm 2023 và cũng với nhiều yếu tố tác động sẽ khiến cho câu chuyện hạ lãi suất vay đang ở trong tình thế không đơn giản.

Quan sát thị trường thời gian gần đây, lãi suất huy động 12 tháng trung bình tại các ngân hàng trong tháng 1 tiếp tục tăng thêm 0,07 điểm % so với tháng 12/2022, lên mức 8,49%/năm. Như vậy, lãi suất huy động tiền gửi 12 tháng đã tăng 2,68 điểm % so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, kỳ hạn 6 tháng trung bình đạt 7,92% tăng thêm 0,11 điểm % so với mức trung bình của tháng 12 và tăng 2,92 điểm % so với cùng kỳ 2022.

Theo ý kiến của nhiều lãnh đạo ngân hàng thì áp lực tăng của cả 2 loại kỳ hạn trên chủ yếu tới từ nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần, trong khi các ngân hàng có gốc quốc doanh không thực hiện tăng lãi suất đối với kỳ hạn 12 tháng, và chỉ tăng nhẹ đối với kỳ hạn 6 tháng.

Lãi suất huy động vẫn còn dư địa tăng. Ảnh: Toàn Lê 

Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, lãi suất huy động vẫn còn dư địa tăng trong năm 2023. Cụ thể, áp lực lớn nhiều hơn vào thời điểm 6 tháng đầu năm, sau đó lãi suất huy động dự báo đi ngang hoặc thậm chí hạ nhiệt vào nửa cuối năm. 

Theo VCBS, quá trình tăng lãi suất trên thế giới tiếp diễn ít nhất cho tới tháng 6 năm 2023. Sau sự việc liên quan đến ngân hàng SCB, Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định, ưu tiên cao nhất của là đảm bảo thanh khoản, giữ ổn định an toàn hệ thống. Tuy vậy, trong môi trường không thuận lợi, lãi suất còn dư địa tăng, NHTM cổ phần vừa và nhỏ sẽ buộc phải giữ mức lãi suất cao để đảm bảo nhu cầu huy động. Trên cơ sở đó, VCBS dự báo, lãi suất huy động dự báo đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 với mức tăng 1 - 1,5 điểm % trong những tháng nửa đầu năm 2023. Sở dĩ áp lực lãi suất tiền gửi trong nước còn tăng, theo VCBS là do quá trình tăng lãi suất ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp diễn ít nhất cho tới tháng 6.2023.

Trong khi đó theo phân tích của TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc khối đầu tư quỹ DGCapital cho rằng ở trong nước, hoạt động cho vay gặp khó, ách tắc về giải ngân vốn đầu tư công và thiếu vắng các biện pháp mang tính hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản đang khiến tình trạng “nghẽn” thanh khoản chưa thể sớm cải thiện. Như vậy, môi trường vĩ mô bên trong và bên ngoài đều chưa ủng hộ cho một xu hướng giảm về lãi suất trong ít nhất 6-12 tháng tới.

Không thể phủ nhận xu hướng lãi suất tăng vọt gần đây đã phần nào ảnh hưởng đến việc mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Sau các đợt đua tăng lãi suất tiết kiệm diễn ra từ cuối quý 3 đầu quý 4.2022, kéo theo lãi suất cho vay cũng được điều chỉnh tăng, với lãi suất khách hàng cá nhân vay trung dài hạn lên đến 15-16%/năm, doanh nghiệp vay ngắn hạn 11-12%/năm. Khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn khó khăn hơn khi tỷ lệ hoàn vốn nội bộ đủ lớn để thực hiện dự án tăng lên. Đồng thời, rủi ro nợ xấu tăng lên cùng hạn mức tín dụng không quá dư thừa khiến các ngân hàng thương mại sẽ lựa chọn kỹ càng hơn với danh mục phê duyệt tín dụng. Dư địa tăng với lãi suất cho vay tiếp diễn, tuy nhiên có độ trễ và mức tăng có thể thấp hơn lãi suất huy động khi được kiểm soát chặt chẽ từ nhà điều hành, TS Nguyễn Duy Phương nhận định.

Và cũng đồng quan điểm này, các chuyên gia của FiinGroup cho rằng, mặt bằng lãi suất trong nước khó có thể giảm trước năm 2024, đặc biệt khi điểm “nghẽn” về thanh khoản hiện vẫn chưa được xử lý. Mặt khác, biến động lãi suất cho vay có độ trễ so với lãi suất huy động. Do đó, năm 2023 lãi suất cho vay được dự báo còn dư địa tăng. Tuy nhiên, trong trường hợp lãi suất huy động tạo đỉnh trong nửa đầu 2023, lãi suất cho vay có thể ghi nhận mức tăng thấp hơn lãi suất huy động, tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các ngành nghề, phân loại ưu tiên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn