MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trái phiếu doanh nghiệp vẫn là một kênh gọi vốn hữu ích cho doanh nghiệp. Ảnh: PV

Giám sát để trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, minh bạch

TRÍ MINH LDO | 15/11/2022 08:35

Trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được các ý kiến chuyên gia nhìn nhận vẫn là một kênh gọi vốn hữu ích cho doanh nghiệp. Bộ Tài chính cho hay, quan điểm của Chính phủ là tiếp tục phát triển thị trường hoạt động an toàn, lành mạnh và minh bạch.    

Thị trường ảm đạm

Theo dữ liệu tổng hợp từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính đến ngày công bố thông tin 31.10, Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo là doanh nghiệp duy nhất phát hành trái phiếu trong tháng 10 với giá trị 210 tỉ đồng.

Tính từ đầu năm đến hết tháng 10, có tổng cộng 2 đợt phát hành ra quốc tế của CTCP Tập Đoàn VinGroup trị giá 625 triệu USD, 23 đợt phát hành ra công chúng với giá trị 10.599 tỉ đồng (chiếm 4% tổng giá trị phát hành) và 413 đợt phát hành riêng lẻ trị giá xấp xỉ 240.761 tỉ đồng (chiếm 96% tổng giá trị phát hành).

Giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng giảm 56% so với cùng kỳ năm trước và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 51% so với cùng kỳ năm trước.

Theo VNDIRECT Research, tổng giá trị TPDN phát hành trong quý III/2022 đạt mức 60.635 tỉ đồng, giảm mạnh 50,5% so với quý II và giảm mạnh 70,9% so với cùng kỳ năm trước. Báo cáo mới đây của quỹ đầu tư trái phiếu MBBond dự báo, trong quý IV thị trường TPDN nhiều khả năng sẽ tiếp tục trầm lắng sau hàng loạt biến cố trên thị trường như sự kiện Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát. 

Thực tế trên khá trái ngược so với giai đoạn tăng trưởng nóng trước đó của TPDN. Cùng thời điểm này năm ngoái, trong 11 tháng năm 2021 có tổng cộng 826 đợt phát hành TPDN trong nước với tổng giá trị đạt 495.000 tỉ đồng. Trong đó có 803 đợt phát hành riêng lẻ và 23 đợt phát hành ra công chúng, 4 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế tổng giá trị 1,425 tỉ USD.

Vẫn hết sức tiềm năng

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), thị trường trái phiếu thời gian qua được coi là một kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp về trung và dài hạn. Nguồn vốn từ trái phiếu giúp doanh nghiệp bổ sung dòng tiền, giảm sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên từ đầu năm, việc phát hành TPDN đã thu hẹp đáng kể sau khi hành lang pháp lý có thêm những điểm mới và các biến động trên thị trường. 

“Tiềm năng của thị trường TPDN Việt Nam rất lớn. Đây là một kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế, doanh nghiệp và là một kênh đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư, nhất là khi các tiêu chí an toàn ngày càng củng cố...” - vị chuyên gia này cho hay. 

Trong khi đó, theo luật sư Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc SB Law, việc kiểm soát chặt tình trạng phát hành trái phiếu của doanh nghiệp nhưng không nên để tắc thị trường trái phiếu chỉ vì một vài sự việc tiêu cực đơn lẻ. Những sai phạm của một số cá nhân, tổ chức trên thị trường TPDN riêng lẻ vừa qua là bài học quan trọng nhưng không đại diện cho toàn thị trường.

“Trong giai đoạn hiện nay, vì một vài vụ xảy ra đơn lẻ không thể là lý do siết chặt thị trường. Những vụ việc đó chỉ là những dấu hiệu cảnh báo, những căn bệnh ung nhọt cần chữa trị. Chúng ta không nên nhìn nhận những sự việc đó theo hướng tiêu cực, mà cần nhìn một cách tích cực. Đó là dấu hiệu cảnh báo để thanh lọc thị trường trong sạch, minh bạch và tốt hơn chứ không phải một nút thắt của thị trường trái phiếu” - luật sư bày tỏ quan điểm. 

Đáng chú ý gần đây, Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chỉ ra rằng, dù có sự tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây, nhưng thị trường TPDN ở Việt Nam mới ở giai đoạn đầu của sự phát triển. Ông Hồ Đức Phớc khẳng định niềm tin đóng vai trò rất quan trọng trên thị trường TPDN. Thị trường phát triển ổn định, hiệu quả, an toàn thì nhà đầu tư sẵn sàng tham gia và khi đó thị trường mới có sự phát triển bền vững bởi “cung vững - cầu chắc”.

Hiện nay, dư nợ toàn thị trường TPDN chỉ khoảng 15% GDP; trong đó, riêng TPDN riêng lẻ là 1,204 triệu tỉ đồng, tương đương 12,8% GDP. Trong khi đó, theo Chiến lược phát triển tài chính đến năm 2030, Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2025, dư nợ thị trường TPDN tối thiểu đạt 20% GDP và đến năm 2030 tối thiểu đạt 25% GDP. 

Đối với các nước có thị trường vốn phát triển, dư nợ thị trường TPDN đều duy trì ở mức cao và riêng trong khu vực Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều một số nước như: Malaysia (56% GDP), Singapore (38% GDP), Thái Lan (25% GDP)…

Chiều ngày 14.11, Bộ Tài chính phát đi thông cáo khẳng định TPDN vẫn là thị trường tiềm năng khi nhu cầu vốn của các doanh nghiệp trong thời gian tới cho phát triển sản xuất kinh doanh là rất lớn. Do đó, quan điểm của Chính phủ là tiếp tục phát triển thị trường hoạt động an toàn, lành mạnh và minh bạch. Cơ quan quản lý sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khung pháp lý và tăng cường hiệu quả kiểm tra, giám sát. Trước mắt, việc triển khai Nghị định số 65/2022/NĐ-CP cùng với các giải pháp xử lý nghiêm các vi phạm của thị trường TPDN vừa qua sẽ giúp thị trường điều chỉnh hướng tới hoạt động hiệu quả hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn