MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việt Nam xây dựng nhiều mã số vùng trồng để xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Vũ Long

Giảm thời gian thông quan nông sản giữa Việt Nam và tỉnh Vân Nam

Vũ Long LDO | 01/06/2023 23:12

Nhiều đề xuất, kiến nghị thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được thống nhất tại buổi hội đàm giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hải quan Vân Nam.

Tiềm năng thương mại chưa khai thác hết

Ngày 1.6, tại Vân Nam (Trung Quốc), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Trần Thanh Nam đã có buổi trao đổi với Hải quan Côn Minh về một số giải pháp thúc đẩy thương mại nông sản giữa Việt Nam và tỉnh Vân Nam.

Tại buổi làm việc, ông Cận Diên Dũng - Cục trưởng Hải quan Côn Minh (Tổng cục Hải quan Trung Quốc) đề nghị nỗi năm các cơ quan liên quan hai bên gặp nhau định kỳ ít nhất một lần.

"Hai bên cần phát huy ưu thế địa lý, tăng cường giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Phát huy tinh thần làm việc cùng thắng, cùng có lợi. Mở rộng lĩnh vực, tầng bậc hợp tác” - ông Cận Diên Dũng nói, đồng thời khẳng định: Việt Nam là “đối tác thương mại quan trọng”. Hải quan Trung Quốc cùng các cơ quan liên quan đang tích cực tìm cách tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam có cơ hội tăng xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Vũ Long
Vì vậy, đề nghị các cơ quan liên quan của Việt Nam sớm tăng số lượng doanh nghiệp AEO (mô hình doanh nghiệp ưu tiên).

Đồng thời, thực hiện cơ chế hợp tác xuất nhập khẩu một cửa, theo mô hình tiên tiến đã được nhiều nước, nhiều tổ chức tài chính trên thế giới công nhận.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, ông nhất trí cao với các đề xuất nêu trên.

Việt Nam coi đây là đối tác quan trọng, có nhiều lợi thế nông nghiệp ôn đới, trong khi Việt Nam có ưu thế về nông nghiệp nhiệt đới và các sản phẩm từ biển.

Tiềm năng hai bên còn nhiều, còn rất lớn. Tuy nhiên, việc giao lưu xuất nhập khẩu còn chưa đáp ứng. Hàng hóa Việt Nam qua Vân Nam còn rất khiêm tốn so với các cửa khẩu khác. Đây là vấn đề cần giải quyết, bởi so với tiềm năng sẵn có, con số hơn 340 triệu USD xuất nhập khẩu nông sản 5 tháng đầu năm giữa hai bên là chưa tương xứng.

Đẩy mạnh giao thương song phương

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, với tiềm năng về rau củ quả ôn đới từ Vân Nam cũng là sản phẩm mà Việt Nam cần nhập. Do đó, cần thúc đẩy giao thương hàng hóa, thông qua việc thành lập Hiệp hội doanh nghiệp với các đơn vị là doanh nghiệp lớn của hai bên.

Việt Nam đã khởi công xây dựng cao tốc nối tỉnh biên giới giáp Vân Nam là Hà Giang đến các địa phương, dự kiến đây sẽ là huyết mạch vận chuyển hàng hóa, phát triển du lịch. Sắp tới, Việt Nam còn khởi công cao tốc từ Hòa Bình lên Điện Biên, có biên giới với Vân Nam.

“Trao đổi với lãnh đạo tỉnh Vân Nam, tôi nhấn mạnh tới việc doanh nghiệp hai nước cần tham gia xây dựng, vận hành chuỗi kho lạnh kết nối hai bên" - Thứ trưởng Nam nói.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Hải quan Côn Minh sớm gửi đề án về cửa khẩu thông minh, hải quan thông minh, kết nối thông minh, xuất nhập khẩu một cửa, tới các cơ quan quản lý Việt Nam để nghiên cứu thực hiện. Đây là vấn đề mà Bộ NNPTNT sẽ phối hợp Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Tổng cục Hải quan cùng tham gia thực hiện.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng thẳng thắn cho biết: Vẫn còn gian lận thương mại xảy ra ở cửa khẩu, đặc biệt là gian lận về số lượng, chứng từ. Do đó, Bộ NNPTNT đề xuất sẽ cử các cơ quan chuyên môn của Bộ cùng phối hợp Hải quan Vân Nam, giám sát chặt chẽ, chống gian lận thương mại.

Đề nghị Hải quan Vân Nam mở thêm danh mục về thủy sản, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao số lượng, sản lượng sang tỉnh Vân Nam. Ngoài ra, Thứ trưởng đề xuất phía Vân Nam sớm có trả lời về việc xuất khẩu thủy hải sản sống sang tỉnh này.

Ông Cận Diên Dũng khẳng định “Hoàn toàn nhất trí” và sẽ rà soát, tháo gỡ. Hải quan Vân Nam cho biết tại tỉnh đang xây dựng cầu nối giữa Bách Sắc và Hà Khẩu, hai địa phương có cửa khẩu với Việt Nam. Việc này sẽ giảm mạnh ùn tắc cửa khẩu.

Ông Hùng Tiên Quân - Phó Cục trưởng Hải quan Côn Minh - cũng khẳng định sẽ tiếp thu các đề xuất, kiến nghị của phía Việt Nam.

Theo đó, từ ngày 1.6, Hải quan Côn Minh và phía Việt Nam bắt đầu thực hiện cơ chế trao đổi mẫu chứng nhận kiểm dịch, công nhận lẫn nhau. Trước mắt, sản phẩm chỉ giới hạn ở sầu riêng.

Sắp tới đơn vị này sẽ áp dụng các biện pháp giảm thời gian thông quan như khai báo sức khỏe, hàng hóa đầu cuối, thanh toán qua QR Code...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn