MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giảm thuế để hạ nhiệt giá xăng: Đừng lo giảm nghìn tỉ mà quên hệ lụy khác

Cường Ngô LDO | 02/07/2022 15:29

Theo chuyên gia kinh tế, việc giảm thuế phí để "hạ nhiệt" giá xăng dầu cần được nhà hoạch định chính sách nhìn nhận thực tế hơn nữa, sâu sắc hơn nữa, đừng nhìn vào con số giảm "từng này nghìn tỉ" mà quên đi hệ lụy khác.

Hiện nay có hơn 50% số lượng tàu cá đã phải ngừng hoạt động, tương đương khoảng gần 50.000 tàu cá phải neo bến vì không gánh nổi hàng nghìn tỉ đồng chi phí tăng thêm do dầu tăng giá - đó là thống kê mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhẩm tính, hiện mỗi tàu cá có ít nhất 5 lao động. Như vậy, chúng ta đang có ít nhất 250.000 ngư dân không có việc làm, tương đương 250.000 hộ gia đình đang bị ảnh hưởng.

Tính trung bình mỗi hộ bình quân có 4 người, nghĩa là có cả triệu người dân gắn với ngư dân đang phải chịu tác động tiêu cực từ xăng tăng giá. Chưa tính các ngành nghề, lĩnh vực khác.

"Do vậy, tôi cho rằng, những người làm chính sách cần nhìn nhận thực tế hơn nữa, sâu sắc hơn nữa, đừng nhìn vào con số giảm "từng này nghìn tỉ" mà quên đi hệ lụy khác. Cần nhìn thấy cái lợi trong trung hạn, dài hạn, đưa ra được một giải pháp tổng thể cho vấn đề tăng giá xăng, dầu", ông Nguyễn Bích Lâm nói.

Giá xăng dầu tăng khiến hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn. Ảnh: Thanh Chung 

Trong cơ cấu giá xăng, dầu, ngoài phụ thuộc vào giá thế giới thì giá trong nước còn gánh thêm 4 sắc thuế như: Thuế nhập khẩu, bảo vệ môi trường, giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt và các khoản phí như chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức… Tính chung lại tổng thuế, phí hiện chiếm tới 44% trong giá bán ra của xăng, dầu.

Do đó, theo các chuyên gia kinh tế, để giảm giá xăng, dầu, cần rà soát lại các chi phí cấu thành giá xăng, dầu. Trong đó, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức của doanh nghiệp xăng, dầu còn chưa hợp lý, cần phải tính toán, cân đối lại. Bên cạnh đó, có thể kiểm soát giá thông qua điều hành chính sách thuế.

"Giảm thuế, phí là giảm ngay nguồn thu ngân sách với những con số rất cụ thể. Ngược lại, nếu giá xăng, dầu vẫn ở mức cao, sẽ tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống mọi người dân. Hậu quả của tác động tiêu cực này chưa định lượng ngay được, nhưng chắc chắn là không nhỏ", ông Nguyễn Bích Lâm nói.

Doanh nghiệp trở tay không kịp

Do ảnh hưởng của giá xăng dầu, thời gian qua gánh nặng giá nguyên liệu đầu vào đã khiến lợi nhuận nhiều doanh nghiệp bị bào mòn. Nhiều doanh nghiệp sản xuất cho biết họ phải tăng giá bán theo mức tăng của chi phí đầu vào để tránh thua lỗ. Tuy nhiên, việc tăng giá bán đồng nghĩa việc tiêu thụ hàng hóa sẽ gặp nhiều khó khăn, chưa kể không dễ đàm phán với đối tác về mức giá mới. 

Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch HĐQT Công ty May Sài Gòn 3 cho rằng, hiện nay, 60% nguồn nguyên liệu sản xuất của công ty đang phải nhập khẩu, nhưng giá nguyên liệu lại tăng mạnh từ 30-50%.

Cộng với chi phí logistics cũng tăng từ 5-7 lần so với trước đây và giá xăng dầu không ngừng tăng cao đang khiến doanh nghiệp trong nước rất khó để vẫn duy trì sản xuất mà không tăng giá thành sản phẩm bán ra.

"Giá nguyên liệu tăng cao đang ảnh hưởng trực tiếp đến rất nhiều doanh nghiệp, gây đội các chi phí trong hoạt động sản xuất, giảm mức độ cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường thế giới.

Còn giá xăng dầu gần đây liên tục được điều chỉnh tăng theo đà tăng của thế giới đã khiến hàng loạt doanh nghiệp lo ngại việc các doanh nghiệp vận tải, logistics… phải thực hiện điều chỉnh giá cước phí để duy trì hoạt động kinh doanh. Từ đó ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất và giá thành sản phẩm, ông Hồng nói.

Trao đổi với Lao Động, TS Nguyễn Đình Ánh - chuyên gia kinh tế cho biết, việc điều hành giá xăng dầu, quan trọng nhất là chi phí đầu vào và vấn đề kiểm soát lạm phát. Hiện nay, dư địa điều hành giá xăng dầu vẫn còn nhưng phải đánh đổi giữa việc giảm thu ngân sách và kiểm soát đà tăng của giá xăng.

Theo chuyên gia, hiện mỗi lít xăng đến tay người tiêu dùng phải "cõng" 38-40% là thuế, phí và được cấu thành từ giá CIF nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, thuế tiêu thụ đặc biệt (10% với xăng RON95, xăng sinh học E5 RON92 là 8%), thuế nhập khẩu 10%, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế bảo vệ môi trường 1.900 - 2.000 đồng. Ngoài ra, còn các khoản lợi nhuận định mức, chi phí định mức, chi phí vận chuyển... chiếm 5-8%. 

"Thu ngân sách chiếm từ 30-50% giá bán lẻ xăng dầu trên mỗi một lít xăng, đây là dư địa rất lớn để nhà chức trách điều hành giá xăng dầu. Ví dụ, một lít xăng 30.000 đồng, dư địa điều hành còn khoảng 10.000 - 15.000 đồng, chứ không chỉ 2.000 đồng giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu từ đầu tháng 4 đến hết năm nay.

Sẽ phải đánh đổi giữa một bên là thu ngân sách và một bên là giảm giá giá xăng dầu. Tuy nhiên, để phục vụ mục tiêu trong chương trình phát triển, phục hồi kinh tế thì cần giảm thuế với xăng dầu ngay", TS Nguyễn Đình Ánh nhận định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn