MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giảm thuế môi trường 1.000 đồng/lít với xăng là quá ít, không thấm vào đâu

Cường Ngô LDO | 06/03/2022 12:00

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Bộ Tài chính nên cân nhắc trình thêm phương án với mức giảm mạnh hơn, bởi trong bối cảnh giá dầu leo thang, người dân khó khăn, mức giảm thuế 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường với xăng là quá ít, không thấm vào đâu.

Giảm 1.000 đồng với xăng quá ít

Ngày 3.3, Bộ Tài chính gửi công văn tới các bộ, ngành xin ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường của các mặt hàng xăng, dầu và mỡ nhờn. Cơ quan này dự kiến đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít với xăng (trừ ethanol), tức từ 4.000 đồng xuống còn 3.000 đồng.

Thuế bảo vệ môi trường với dầu diesel, mazut, dầu nhờn dự kiến giảm 500 đồng mỗi lít, từ 2.000 đồng xuống 1.500 đồng/lít. Dầu hỏa giảm 500 đồng, từ 1.000 đồng xuống 500 đồng/lít...

Góp ý dự thảo, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị phương án giảm thuế 2.000 đồng/lít, sâu hơn so với đề xuất giảm 1.000 đồng mỗi lít xăng (trừ ethanol).

Theo VCCI, đề xuất giảm thuế rất quan trọng và đặc biệt cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhằm kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu, nguyên nhiên liệu rất quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần tích cực trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch.

Mặc dù đây là phương án tích cực, nhưng VCCI cho rằng, theo phản ánh của các doanh nghiệp, hiệp hội thì việc giảm thuế bảo vệ môi trường cần cân nhắc tiến hành mạnh mẽ hơn.

Mức giảm 1.000 đồng của thuế bảo vệ môi trường bị cho là ít. Ảnh: Tùng Giang 

Bởi giá bán lẻ xăng dầu đã đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay và dự báo tiếp tục tăng cao trong thời gian tới trong bối cảnh xung đột quân sự cũng như các trừng phạt kinh tế đang diễn ra căng thẳng tại Châu Âu và có xu hướng leo thang.

Vì thế, VCCI đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc trình thêm một phương án nữa có mức giảm mạnh hơn, chẳng hạn áp dụng mức giảm 2.000 đồng/lít với xăng; 1.000 đồng/lít với dầu, mỡ nhờn.

Thời hạn giảm có thể ngắn hơn, chẳng hạn 3-6 tháng nếu giá xăng dầu ổn định trở lại thay vì áp dụng một mức cố định trong cả 8 tháng, đến hết năm 2022.

Giá xăng dầu so đang quá cao với thu nhập người dân hiện nay

Ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) cho rằng, do chi phí vận tải tăng cao theo giá xăng dầu, nên tất cả chi phí đầu vào như bao bì, nhân công… đều tăng từ 20% - 30%.

"Ở thời điểm hiện tại, chi phí vận chuyển từ cảng đến nơi nhập khẩu đã bằng hoặc cao hơn so với giá trị đơn hàng; doanh nghiệp sẽ là đối tượng chịu thiệt thòi nhất", ông Lĩnh nói.

Một doanh nghiệp vận tải cho rằng, giá xăng dầu tăng, nhiều doanh nghiệp logistics đã khó càng thêm khó, bởi chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 30% - 35% cơ cấu giá thành vận tải. Giá xăng dầu tăng buộc doanh nghiệp vận tải, logistics phải điều chỉnh bảng giá mới cân bằng được chi phí và lợi nhuận. 

"Trung bình, một xe đầu kéo chạy 100 km sẽ tiêu hao 34 - 36 lít dầu tùy theo địa hình. Sau 4 kỳ giá xăng dầu tăng liên tiếp, doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh giá vận chuyển Bắc - Nam cho một container 40 feet từ 45 - 48 triệu đồng lên 50 - 55 triệu đồng", doanh nghiệp này nói.

Người dân, doanh nghiệp khó khăn khi giá xăng tăng quá cao. Ảnh: Hải Nguyễn 

Theo vị doanh nghiệp này, việc giảm thuế bảo vệ môi trường chỉ với 500 đồng, tức mỗi lít dầu giảm 500 đồng thì không giải quyết được gì, không thấm vào đâu. 

"Tôi cho rằng nên giảm ít nhất 1.000 đồng với mỗi lít dầu, 2.000 đồng với xăng. Bởi hiện nay, giá xăng dầu so đang quá cao với thu nhập người dân hiện nay.

Giá xăng dầu tăng tác động trực tiếp vào giá tiêu dùng. Nên Nhà nước giảm thuế sẽ trực tiếp hỗ trợ đến từng người dân ổn định cuộc sống trong lúc khó khăn", vị này cho hay.

Một thương nhân đầu mối cho Lao Động biết, giá dầu thế giới từ 1.3 tới nay liên tiếp tăng, có ngày tăng 5-10%, mọi chi phí kéo theo đều tăng. Những ngày qua, ngưỡng biến động đã vượt 10%, là ngưỡng bất thường, đột biến, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Theo Nghị định 83 trước đây, nếu các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở tăng vượt 3% đến 7% so với giá cơ sở liền kề trước đó, thương nhân đầu mối có quyền tự tăng giá bán lẻ sau 3 ngày kể từ ngày gửi văn bản báo cáo ban điều hành.

Và nếu các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên 7%, thì liên Bộ Công Thương - Tài chính phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến về biện pháp điều hành cụ thể.

Do đó, theo thương nhân này, liên Bộ Tài chính - Công Thương cần báo cáo phương án với Thủ tướng, nếu được giảm thuế thì cũng cần làm ngay, không chần chờ gì nữa. Giá xăng mà tăng lên 30.000 đồng một lít, dân chịu sao nổi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn