MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục sản xuất kinh doanh là giải pháp quan trọng để duy trì nguồn thu bền vững. Ảnh: L.Đ

Giảm thuế môi trường với xăng dầu: Chống thất thu thuế để bù đắp nguồn thiếu hụt

Anh Huy - Cẩm Hà LDO | 26/03/2022 15:00
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa đồng ý giảm 2.000 đồng thuế môi trường trên mỗi lít xăng đến hết năm nay, theo đề nghị của Chính phủ. Hiện có nhiều đề xuất về việc tìm kiếm nguồn thu bù đắp khoản sụt giảm hơn 29.00 tỉ đồng, trong đó có việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh để duy trì nguồn thu bền vững.

Tìm phương án bù đắp nguồn thu

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Lao Động, chuyên gia cao cấp về thuế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, đây là một chính sách được nhiều người ủng hộ, với mức hỗ trợ này sẽ giảm chi phí xăng dầu, góp phần làm cho người dân, doanh nghiệp đỡ khó khăn hơn.

Tuy nhiên, ông Thịnh cho biết, theo tính toán của Bộ Tài chính, số thu thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn (tính trên cơ sở sản lượng tiêu thụ năm 2019) sẽ giảm cả năm khoảng 29.035 tỉ đồng. Do đó, để bù lại khoản thâm hụt ngân sách này phải có phương án tính toán tăng thu lĩnh vực khác.

Theo đó, vị này nói trước hết thì phía ngân sách, nỗ lực tăng thu, giảm thất thoát trong thu thuế. Thất thoát trong thu thuế hiện nay còn nhiều. Cần phải quyết liệt và có những biện pháp mạnh hơn nữa. Song song với việc giảm thuế thì chống thất thu thuế mới là vấn đề quan trọng.

Thứ hai phải xem xét việc bố trí việc vay nợ. Rõ ràng năm nay phải vay tăng lên bởi các chính sách giảm thuế để kích cầu kinh tế, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp cũng khá nhiều. Tuy nhiên, phải tính toán tăng vay nợ để đảm bảo cân đối thu chi một cách hợp lý.

“Chúng ta luôn mong muốn vay trong nước nhiều hơn vay nước ngoài nhưng vay như thế nào, bao nhiêu và lãi suất ra sao đấy là một vấn đề. Ngoài ra, việc vay thì phải tính toán thời điểm để mức vay không ảnh hưởng đến thị trường tài chính tiền tệ cũng như không ảnh hưởng đến lạm phát. Nếu vay không đúng thời điểm, lãi suất tăng cao, lạm phát tăng cao thì rất nguy hiểm” - vị này nói.

Thứ ba, tăng cổ phần hóa, bán vốn nhà nước, thoái vốn nhà nước. Qua đó, chuyển sử dụng một cách hiệu quả vốn nhà nước, đặc biệt là vốn cho thuê đất, tiền đấu giá đất tăng lên để giảm thâm hụt ngân sách.

Ngoài ra, theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cần xem xét từ đó đẩy mạnh tiết kiệm các khoản chi tiêu, ngân sách nhà nước. Những khoản nào tiết kiệm được thì nên tiết kiệm, nếu làm được thì phần nào cũng giảm phần chi của ngân sách.

Cùng quan điểm, chuyên gia thuế Nguyễn Ngọc Tú cho rằng, mức giảm tăng lên có thể giúp hoạt động kinh doanh tốt lên. Từ đó, người dân và doanh nghiệp lại nộp thuế vào ngân sách. Việt Nam cũng là một quốc gia xuất khẩu dầu thô nên bản thân nguồn thu tăng thêm từ việc giá xăng dầu tăng rất lớn.

Cũng theo ông Tú, hiện nay sức ép tăng giá và áp lực lạm phát từ những biến động trên thế giới có thể khiến sức tiêu thụ chậm lại, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, ngành Thuế sẽ phải nỗ lực hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ, trong đó, quan trọng nhất là hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục, phát triển.

Duy trì nguồn thu bền vững từ sản xuất kinh doanh

Trong khi đó theo phân tích của các chuyên gia thuộc Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, việc giảm các loại thuế/phí xăng dầu dù ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách Nhà nước tuy nhiên thực tế là nguồn thu từ dầu thô từ đầu năm cho đến nay tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ (do giá xuất khẩu dầu thô tăng). Chính vì vậy, nếu nguồn thu từ các loại thuế, phí cố định trên giá xăng dầu bị giảm do các chính sách điều tiết mới, sẽ được cân đối một phần bởi nguồn thu từ dầu thô xuất khẩu.

Việt Nam vừa nhập khẩu xăng dầu nhưng lại là nước xuất khẩu dầu thô nên khá trung lập về nguồn thu. Thực tế trong 2 tháng đầu năm nay cũng cho thấy nguồn thu ngân sách vẫn tăng mạnh và vượt do với dự toán đề ra. Các số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy thu ngân sách từ dầu thô trong hai tháng đầu năm nay đạt gần 8.100 tỉ đồng, tăng hơn 57% so với cùng kỳ, nhờ giá dầu tăng.

Cụ thể tổng thu ngân sách tháng 2 đạt 138.500 tỉ đồng, luỹ kế thu ngân sách hai tháng khoảng 323.800 tỉ đồng, tăng gần 11% so với cùng kỳ và bằng xấp xỉ 23% dự toán. Ba khoản thu chính là thu nội địa, thu từ dầu thô và thu từ xuất nhập khẩu đều tăng so với cùng kỳ 2021, lần lượt 7,6%, 57,2% và 29,4%.

Dẫu vậy việc giảm thuế môi trường với xăng dầu cũng gây không ít lo ngại với nguồn thu ngân sách ở một số địa phương.

Theo Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh Tuyên Quang - Hoàng Thanh Phong, việc điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ tác động lớn đến hiệu quả thu ngân sách của tỉnh. Năm 2021, số thu thuế bảo vệ môi trường của Tuyên Quang đạt trên 320 tỉ đồng. Năm 2022, mục tiêu của ngành là sẽ thu khoảng 350 tỉ đồng, song khi đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực, số thu này sẽ giảm một nửa, tương đương với hơn 150 tỉ đồng.

Cũng theo ông Phong, trong cơ cấu thu ngân sách của tỉnh, hiện nguồn thu tiền sử dụng đất là một trong 3 nguồn thu chiếm tỉ trọng lớn nhất, cùng với thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh và thu thuế bảo vệ môi trường. Về lâu dài, khoản thu này sẽ được điều chỉnh để ngân sách nhà nước giảm phụ thuộc vào nó và sẽ cần bù đắp từ việc tăng thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn