MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chặn chiêu lách thuế của người bán hàng online vẫn còn nhiều khó khăn. Ảnh: Bùi Hạnh.

Gian lận, trốn thuế trong kinh doanh thương mại điện tử còn lớn

CAO NGUYÊN - PHẠM ĐÔNG LDO | 20/05/2024 16:25

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, mặc dù công tác quản lý thuế đã được tăng cường, song vẫn còn bất cập; tình trạng gian lận, trốn thuế còn lớn, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử.

Thẩm tra Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV chiều 20.5, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban Tài chính Ngân sách cơ bản tán thành với báo cáo của Chính phủ.

Theo ông Mạnh, báo cáo đã thể hiện khái quát, toàn diện các nội dung theo quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; các phụ lục thống kê khá đầy đủ, chi tiết.

Nhận thức, trách nhiệm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được cải thiện, công tác hoàn thiện thể chế, ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tích cực, chủ động, thể hiện tính kế thừa và phát triển.

Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.

Có thể kể đến như một số Bộ, ngành chưa thực hiện đúng kế hoạch lập pháp, còn tình trạng chậm đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, Pháp lệnh tiếp tục diễn ra.

Tình trạng chậm phân bổ ngân sách, đặc biệt là phân bổ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2022 đến gần cuối năm mới được thực hiện. Chi chuyển nguồn còn lớn, chậm được khắc phục, gây lãng phí và giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh. Ảnh: Quochoi.vn.

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại một số Bộ, ngành, địa phương chậm do nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra trong các báo cáo, trong nhiều năm vừa qua, nhưng chưa có giải pháp kiên quyết và biện pháp khắc phục triệt để, hữu hiệu.

Việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục chậm, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu của các chương trình; tỉ lệ giải ngân vốn ngân sách trung ương, nhất là kinh phí sự nghiệp thấp.

Mặc dù công tác quản lý thuế đã được tăng cường, song vẫn còn bất cập; tình trạng gian lận, trốn thuế còn lớn, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử; tình hình nợ đọng thuế có xu hướng tăng so với năm 2022.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị, Chính phủ quan tâm chỉ đạo triển khai một số nhiệm vụ như tập trung giải quyết kiến nghị của cử tri về siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cấp uỷ, chính quyền, cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Ngoài ra, cần phải rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ lập pháp theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy định về tiêu chuẩn, chế độ, định mức.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn