MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà đầu tư ngoại đang có nhiều chuyển động trong dịp đầu năm 2024. Ảnh: Lê Toàn

Giao dịch của khối ngoại sôi động theo dòng chảy của thị trường

Gia Miêu LDO | 13/01/2024 12:06

Các chuyên gia đánh giá khối ngoại (khối nhà đầu tư nước ngoài) sẽ giải ngân mạnh mẽ vào thị trường chứng khoán Việt Nam, sau khi bán ròng khoảng 1 tỉ USD trong năm 2023.

Tuần vừa qua, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục nhắm tới dòng cổ phiếu ngành ngân hàng khi nhiều mã trong ngành thuộc top dẫn đầu được khối ngoại gom mạnh.

Đáng chú ý như cổ phiếu VCB được mua ròng mạnh nhất với giá trị đạt 324,26 tỉ đồng, tương đương khối lượng mua ròng đạt 3,7 triệu đơn vị. Trong tuần trước, VCB cũng dẫn đầu khi được mua ròng hơn 278 tỉ đồng.

Ngoài ra, nhiều cổ phiếu ngân hàng khác cũng được mua ròng mạnh như OCB đạt hơn 8,98 triệu đơn vị, VPB đạt hơn 6,78 triệu đơn vị, STB đạt 6,44 triệu đơn vị.

Có thể thấy trong tuần qua, giao dịch của khối ngoại tiếp tục duy trì trạng thái mua ròng mạnh nhiều mã trong ngành, tuy nhiên, khối này vẫn bán ròng hơn 610 tỉ đồng trong tuần giao dịch sôi động vừa qua.

Thống kê trên sàn HOSE, khối ngoại bán ròng 3 phiên và mua ròng 2 phiên. Tổng cộng, khối này đã bán ròng 935.670 đơn vị, tổng giá trị bán ròng tương ứng đạt 412,97 tỉ đồng; giảm hơn 98% về lượng và 58,76% về giá trị so với tuần trước đó.

Trên sàn HNX, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 5 phiên liên tiếp. Tổng cộng trong tuần, khối này đã bán ròng 10,69 triệu đơn vị, giá trị bán ròng tương ứng đạt 162,29 tỉ đồng, tăng gấp 7,4 lần về lượng và gần 6 lần về giá trị so với tuần trước đó.

Theo thống kê, khối ngoại bán và rút vốn khỏi thị trường Việt Nam khoảng 1 tỉ USD trong năm 2023. Tuy nhiên, việc rút vốn chỉ là hành động cơ cấu danh mục đầu tư của các quỹ, di chuyển sang các thị trường có xu hướng tăng trưởng (Mỹ, EU, Nhật Bản…). Việc tái cấu trúc danh mục này được các nhà phân tích cho rằng là hoàn toàn bình thường.

Bước sang năm 2024, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam đưa ra nhận định, khi Fed có lộ trình giảm lãi suất, Việt Nam với sự ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô, các doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh tích cực hơn, thị giá cổ phiếu của thị trường chứng khoán Việt Nam đang thấp so với định giá, dự kiến khối ngoại sẽ sớm quay trở lại. Tất nhiên, ổn định tỉ giá là điều kiện cần đối với các định chế nước ngoài.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam đặt mục tiêu nâng hạng từ “cận biên” lên “mới nổi” vào nửa cuối năm 2025. Các chuyên gia kỳ vọng, trước khi thị trường được nâng hạng, dòng vốn lớn từ các định chế tài chính trên thế giới sẽ chảy vào mạnh mẽ nhằm đón đầu cơ hội, như đã từng diễn ra ở các thị trường trong khu vực trước đây.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn