MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các ngành công nghiệp biển mũi nhọn như khai thác dầu khí, vận tải biển đóng góp chủ đạo cho phát triển kinh tế biển. Ảnh: P. V

Giàu lên từ biển, dựa vào biển, hướng ra biển

Duy Thiên LDO | 14/10/2018 09:00
Phát triển kinh tế biển là chiến lược kinh tế quan trọng, cần có tầm nhìn dài hạn và đánh giá hết sức chi tiết. Kinh tế biển phải là một trong những trụ cột kinh tế, là mũi nhọn phát triển…

Vẫn còn những hạn chế 

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 09 - NQ/TW về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, nhìn lại, chúng ta còn khá nhiều hạn chế cần phải đánh giá rõ ràng để có thể đề ra các chính sách khắc phục, đối phó phù hợp trong tình hình mới. Nhất là trong bối cảnh diễn biến kinh tế - chính trị và các tranh chấp quốc tế ngày càng có chiều hướng đi theo hướng chủ đạo là không gian biển.

Các chuyên gia đánh giá, những vấn đề đặt ra đối với kinh tế biển ngày càng có xu hướng phức tạp và khó giải quyết. TS Hoàng Việt (Ban Nghiên cứu Luật Biển và Hải đảo - Liên đoàn Luật sư Việt Nam)  chỉ ra hạn chế của chúng ta chính là cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến - những lý do chủ quan. Còn lý do khách quan là do tranh chấp trên biển ngày càng có xu hướng phức tạp và căng thẳng hơn, tác động trực tiếp đến việc hạn chế thực hiện chiến lược 10 năm.

Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 8, khóa XII nhất trí ban hành Nghị quyết mới về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể, đến năm 2030 đạt các mục tiêu cơ bản về phát triển bền vững kinh tế, xã hội và môi trường biển; đưa đóng góp của các ngành kinh tế thuần biển chiếm khoảng 10% GDP cả nước. Ngoài ra sẽ kiểm soát chặt chẽ, ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển, nhất là chất thải nhựa đại dương. Đề cao bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học, hệ sinh thái biển, bảo vệ môi trường; mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế về biển.

Bảo đảm cân bằng sinh thái và hài hoà các mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; Cơ cấu lại, phát triển đồng bộ và bền vững các ngành, vùng và lĩnh vực kinh tế biển; Lấy khoa học - công nghệ tiên tiến và nguồn nhân lực chất lượng cao làm khâu đột phá để phát triển kinh tế biển; Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách tạo môi trường và điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư có công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến, hiện đại phát triển kết cấu hạ tầng và kinh tế biển.

Đóng góp chính của các ngành kinh tế biển hiện nay chủ yếu là khai thác dầu khí, vận tải biển, nuôi trồng, đánh bắt hải sản và du lịch biển… chiếm khoảng 98%. Tuy nhiên, các ngành cho giá trị gia tăng cao như chế biến dầu khí, chế biến hải sản, đóng và sửa chữa tàu biển, thông tin liên lạc… chỉ chiếm khoảng 2% kinh tế biển và 0,4% tổng GDP cả nước.

Nhiều thành tựu không thể phủ nhận

Mặc dù còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục cải thiện, tuy nhiên, không thể phủ nhận những tiến bộ và đóng góp của kinh tế biển vào sự phát triển chung của cả nền kinh tế. Những thành tựu đó là do chúng ta thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, kết hợp với các lợi thế tự nhiên vốn có để thúc đẩy quy mô kinh tế biển tăng trưởng mạnh mẽ, chiếm tỉ trọng cao trong nền kinh tế. 

 Mặc dù các ngành công nghiệp biển mũi nhọn như khai thác dầu khí, vận tải hàng hải… có sự sụt giảm, song ở các nhóm ngành thủy sản, du lịch… lại có những bước phát triển vượt bậc về cả số lượng lẫn chất lượng. Cùng với đó, hàng loạt chính sách hỗ trợ giúp ngư dân yên tâm bám biển vươn khơi, bảo vệ ngư trường truyền thống và quan trọng hơn là khẳng định với quốc tế về chủ quyền biển đảo của Việt Nam.  

Đặc biệt, ngành du lịch biển đã có sự chuyển mình vượt bậc khi hàng loạt các dự án  nghỉ dưỡng ven biển được đầu tư, nâng cấp, tạo nên những thương hiệu nổi tiếng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Từ đó mỗi năm thu hút hàng chục triệu du khách, trong đó  có hàng triệu du khách nước ngoài. 

Quan trọng hơn, ngành du lịch biển đã góp phần giải quyết  công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động tại các địa phương ven biển. Công tác bảo tồn, bảo vệ môi trường cũng được chú trọng, hiện tượng ô nhiễm biển và các tác nhân gây ô nhiễm đã dần bị thu hẹp. Cũng chính nhờ thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường biển mà lượng du khách nước ngoài tới du lịch biển Việt Nam năm sau cao hơn năm trước.  

PGS-TS Nguyễn Chu Hồi - Giảng viên Trường ĐH KHTN, ĐHQG Hà Nội, Thành viên Ban chỉ đạo Diễn đàn Đại dương toàn cầu (GOF), nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) đánh giá, những năm qua quy mô kinh tế biển và vùng ven biển tăng lên; cơ cấu ngành, nghề thay đổi cùng với sự xuất hiện các ngành kinh tế - dịch vụ mới đã đóng góp vào việc thu hút đầu tư, xuất khẩu… mang về nguồn ngoại tệ lớn. 

Tới nay, chúng ta đã xây dựng hàng chục khu kinh tế ven biển, hướng biển nên góp phần thúc đẩy phát triển cho các hải đảo, nâng cao vị thế kinh tế - chính trị của các đảo, điển hình như Vân Đồn, Cát Hải, Côn Đảo, Phú Quốc…

Đánh giá của Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia cho thấy, Việt Nam đã thể hiện được vị thế và tiếng nói khi tham gia vào các Điều ước, Công ước quốc tế về biển; đạt được một số thỏa thuận trên biển với các nước láng giềng góp phần duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác nhưng vẫn kiên quyết và cứng rắn với quan điểm, lập trường về chủ quyền biển, đảo quốc gia.

Từ các thành tựu đó, Việt Nam cũng nhận được nhiều sự ủng hộ của dư luận quốc tế về một số mâu thuẫn, tranh chấp trên biển trong thời gian qua. 

Tuy nhiên, để kinh tế biển phát triển hiệu quả hơn, chúng ta phải loại bỏ tư duy “kinh tế khai thác”, xác định rõ không gian kinh tế biển, xây dựng mối liên kết của các “mảng” không gian kinh tế biển - ven biển - đảo. 

Muốn làm được vậy, các chuyên gia cho rằng cần thiết lập một Ủy ban Điều phối phụ trách quản lý chiến lược biển đảo, đồng thời xây dựng một kế hoạch cụ thể đến từng ban ngành, địa phương để đảm bảo thực hiện các mục tiêu đã đề ra đó là đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển.

Cần phải có phương thức quản lý tổng hợp có vai trò điều chỉnh hoạt động của con người để bảo vệ tính toàn vẹn về chức năng và cấu trúc của hệ sinh thái, duy trì và cải thiện năng suất của hệ sinh thái. Bảo đảm tài nguyên biển được quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, môi trường biển được bảo vệ, hài hòa được lợi ích của các bên liên quan trong khai thác, sử dụng.

(Theo PGS-TS. Vũ Sĩ Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam - Bộ TNMT)

Cần định hướng phát triển mô hình kinh tế xanh trên cơ sở các ngành sản xuất dịch vụ phải thân thiện với môi trường; bảo tồn và phát triển rừng nhằm bảo vệ tính đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển kinh tế thủy sản theo hướng tiếp cận quy trình công nghệ nuôi trồng thủy sản hiện đại và ưu tiên phát triển du lịch sinh thái.

(Theo ông Lê Xuân Sinh, Viện Tài nguyên và Môi trường biển - Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn