MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chuyên gia truyền thông xã hội Nguyễn Ngọc Long tin rằng, mọi thương hiệu như giày Thượng Đình đều phải thay đổi trước khi trở nên lỗi thời. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Giày Thượng Đình không nên trông chờ vào vận may

Đức Mạnh LDO | 25/03/2023 16:00

Nhân câu chuyện giày Thượng Đình "hưởng ké" hiệu ứng truyền thông nhờ nam ca sĩ HIEUTHUHAI diện đôi giày có thiết kế tương tự, chuyên gia truyền thông xã hội Nguyễn Ngọc Long đã có những quan điểm về vấn đề làm mới những thương hiệu xưa cũ.

Cốt lõi nằm ở giá trị của sản phẩm

Chuyên gia truyền thông xã hội Nguyễn Ngọc Long đánh giá việc giày Thượng Đình bỗng chốc may mắn phổ biến trở lại nhờ sự vô tình trên hoàn toàn không có ý nghĩa gì. Những bàn luận sôi nổi rồi cũng sẽ sớm lụi tắt. Bởi một thương hiệu muốn tồn tại phát triển phải xuất phát từ chất lượng sản phẩm. Với truyền thông cũng là một câu chuyện dài, một kế hoạch bài bản chứ không chỉ nhờ vào một sự tình cờ như vậy.

"Tất cả gồm sản phẩm chỉn chu, giá cả, kênh phân phối, kế hoạch chiến lược, thương hiệu phải tốt rồi có thêm câu chuyện truyền thông như Hiếu Thứ Hai thì mọi thứ mới phát huy tác dụng" - chuyên gia đánh giá. 

Câu chuyện giày Thượng Đình hay mỳ tôm Miliket là một ví dụ tiêu biểu. Qua thời gian, không phải chất lượng sản phẩm kém đi mà do khách hàng lớn lên và già đi. Một sản phẩm muốn đến tay người mua thì hai bên phải phù hợp với nhau. Các thương hiệu phải chấp nhận rằng đến một thời điểm nào đó, lứa khách hàng hiện tại của mình thay đổi sẽ đến lứa khách hàng mới (trưởng thành dần và đạt tới độ tuổi sản phẩm hướng tới). Thời thế không còn như ngày xưa, buộc sản phẩm phải chuyển mình để phù hợp với người mua. Nếu sản phẩm không thay đổi thì cần dùng truyền thông để giáo dục lại thói quen của khách hàng nhưng cách này rất khó.

Do đó, chuyên gia Nguyễn Ngọc Long tin rằng, việc thay đổi thương hiệu và sản phẩm sẽ là phương án tối ưu nhất. Đầu tiên là lõi của sản phẩm (màu sắc, nguyên liệu, mùi vị…), đến cách đóng gói (nhãn mác, bao bì), kênh phân phối (ngày xưa là trực tiếp giờ chuyển sang trực tuyến, từ siêu thị tới các sàn thương mại điện tử) và đến kênh tiếp thị. Đó chính là những điều cần thay đổi để thương hiệu của mình bắt kịp với xu hướng và thời đại. 

"Truyền thông quảng cáo không thể thay thế bản chất của sản phẩm. Bản thân sản phẩm phải tốt, có cái hay và câu chuyện, sau đó mới tính tới việc mang những câu chuyện đó kể với người tiêu dùng. Về chuyên môn gọi là phải có một chiến lược thương hiệu bài bản" - ông Long nhấn mạnh.

Không nên đổ lỗi cho thời thế 

Câu chuyện từ giày Thượng Đình cũng cho thấy, một sự thật rằng, không ít thương hiệu Việt Nam đang thua thiệt trên chính sân nhà của mình. Nguyên nhân có thể là do đối thủ quá mạnh hay hội nhập với tốc độ nhanh, nhưng theo ông Nguyễn Ngọc Long, đơn giản là họ đã ngủ quên trên chiến thắng, không chịu vận động để bắt kịp với thời đại. 

Chuyên gia cho biết: "Chúng ta không nên đổ lỗi cho các thương hiệu ngoại nhập. Bởi hiện nay có nhiều sản phẩm do chính những người trẻ tạo ra nhưng lại được lòng người tiêu dùng. Điều đó cho thấy, không phải cứ có nguồn lực lớn hay ngoại nhập là nắm chắc chiến thắng".

Một số thương hiệu đình đám ngày xưa chọn cách thu mình lại để độc chiếm một thị trường ngách. Chuyên gia nhận thấy đó không phải gốc rễ của vấn đề. Bởi doanh nghiệp cần phải thay đổi rất nhiều thứ chứ chưa nên tự mãn vì mình đã quay sang chinh phục thành công góc hẹp đó. 

"Thương trường là chiến trường. Để cạnh tranh trên đó thì tất cả doanh nghiệp phải vận động, không nên chờ tới khi có một nguy cơ nào hiện hữu. Nếu vẫn còn chủ quan và giậm chân tại chỗ thì sớm muộn cũng sẽ lụi tàn" - ông Long nhắn nhủ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn