MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Lăng Trịnh Mai Hương - chuyên gia về thuế, kế toán, kiểm toán - đại diện Việt Nam tại Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC). Ảnh: NVCC

Giới hạn đối tượng được giảm thuế VAT trong năm sau là phù hợp và công bằng

Đức Mạnh (thực hiện) LDO | 21/10/2023 18:25

Chính phủ vừa đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) trong 6 tháng đầu năm 2024. Phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với bà Lăng Trịnh Mai Hương - chuyên gia về thuế, kế toán, kiểm toán - đại diện Việt Nam tại Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC) - về những tác động của chính sách này.

Sau gần 6 tháng giảm thuế VAT xuống 8% trong năm 2023, bà nhận xét như thế nào về tính hiệu quả của chính sách này?

- Năm 2023 không phải là lần đầu tiên chúng ta thực hiện chính sách này mà là sự tiếp nối. Sau 2 lần thực hiện, Bộ Tài chính gần đây đề xuất lần thứ 3 và nhận được sự phản hồi tích cực của người nộp thuế. Điều này là minh chứng rõ ràng về tính hiệu quả của chính sách. Bên cạnh đó với lần đầu tiên áp dụng, do còn bỡ ngỡ và thời gian gấp nên vẫn còn một số khó khăn bất cập với doanh nghiệp. Tuy nhiên đến nay hầu hết đều đã khá quen với việc giảm thuế này, cũng như Chính phủ đã có những điều chỉnh nhất định về mặt quy định, hồ sơ... để thuận lợi hơn cho người dân nên đã giảm thiểu được chi phí tuân thủ của người nộp thuế.

Theo bà, việc kéo dài thời gian giảm thuế VAT sang 6 tháng đầu năm 2024 sẽ tác động như thế nào tới doanh nghiệp, người tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế nói chung?

- Không cần phải là một chuyên gia, tôi nghĩ rằng, bất kỳ người dân nào, với tư cách là người tiêu dùng cuối cùng cũng thấy được lợi ích từ việc giảm thuế. Đó là giảm giá hàng mua. Với một lần thanh toán, con số có thể ít nhưng cộng nhiều chi tiêu lại thì cũng là một khoản tiết kiệm nhất định. Từ đó tạo động lực kích thích tiêu dùng, doanh nghiệp gia tăng sản xuất.

Về phía doanh nghiệp, việc giảm thuế VAT cũng làm giảm áp lực dòng tiền và tiết kiệm chi phí (đối với việc trả thuế VAT đầu vào) và hàng hóa bán ra rẻ đi một chút (đối với thuế VAT đầu ra). Do đó việc tăng được sản lượng tiêu thụ, tháo gỡ khó khăn, gia tăng việc làm là có cơ sở, đặc biệt đối với đơn vị bán lẻ.

Dưới góc nhìn của Chính phủ, dù ngân sách Nhà nước có thể bị giảm thu nhưng bù lại có thể thu thêm được thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp của phần gia tăng năng suất. Đây chính là giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu bền vững. Điều quan trọng hơn là góp phần cải thiện tâm lý của người dân, doanh nghiệp và xã hội.

Nhiều mong muốn cho rằng nên kéo dài thời gian giảm thuế VAT hơn nữa vì cao điểm mua sắm, tiêu dùng thường rơi vào dịp cuối năm. Đồng thời nên mở rộng các nhóm hàng hóa, dịch vụ được áp dụng chính sách này? Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

- Các chính sách kinh tế vĩ mô như này có tính thời điểm để điều tiết nền kinh tế cho từng giai đoạn phù hợp với thực tiễn phát sinh, phục vụ cho việc theo đuổi chiến lược dài hạn. Mục tiêu chính của giảm thuế VAT là mang lại lợi ích cho cả người dân và doanh nghiệp, góp phần kích cầu, gia tăng việc làm, góp phần tháo gỡ những nút thắt của nền kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch. Do vậy, các chính sách này thường có thời hạn nhất định như 6 tháng để đánh giá hiệu quả. Sau thời gian đó nếu tình hình kinh tế nói chung vẫn còn khó khăn và việc áp dụng chính sách cho thấy hiệu quả, tôi cho rằng, Chính phủ sẽ tiếp tục đề xuất Quốc hội gia hạn thêm.

Bên cạnh đó, tôi không nghĩ rằng, nên mở rộng các nhóm hàng hóa, dịch vụ được áp dụng chính sách này bởi hai lý do. Thứ nhất, các nhóm không được miễn giảm thuế VAT đều là những lĩnh vực phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc những ngành nghề không bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch, thậm chí được hưởng lợi từ những yếu tố tác động đó.

Thứ hai, các nhóm hàng hóa dịch vụ được miễn giảm về cơ bản đã ổn định trong 2 lần giảm trước và đã được nghiên cứu, đánh giá khá kỹ. Nếu giảm thuế cho một loại hàng hóa, dịch vụ làm giảm thu ngân sách hơn hiệu quả tổng thể của chính sách giảm thuế mang lại thì không giảm thuế cho mặt hàng đó chính là góp phần đảm bảo cân đối thu chi ngân sách Nhà nước. Đồng thời còn phù hợp và công bằng với người nộp thuế ở các lĩnh vực khác nhau.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn