MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giới trẻ mắc kẹt tài chính khi mang tâm lý “chỉ sống một lần trên đời”

NGUYỄN LY LDO | 18/06/2022 11:47

TPHCM – “Chỉ sống một lần trên đời” là tâm lý sống hết mình của không ít giới trẻ hiện nay. Dưới góc độ chi tiêu cá nhân, nhiều bạn trẻ xem châm ngôn này như cách để chi tiêu, khiến những khoản tiết kiệm của tuổi trẻ luôn cạn kiệt, thậm chí là làm bao năm không tích góp được gì. 

Chị Vũ Thị Lan Anh (30 tuổi, ngụ ở TPHCM) là một cô gái đam mê nhiếp ảnh. Gần 7 năm cầm máy ảnh tác nghiệp và làm việc, cuộc sống năng động và tự do cũng là lý do khiến chị Lan Anh sống hết mình với tuổi trẻ. 

Nếu bỏ qua 2 năm dịch COVID-19 hoành hành, thì năm nào chị Lan Anh cũng tranh thủ đi du lịch nhiều nơi ở Việt Nam và quốc tế. Bởi theo chị, tuổi trẻ chỉ có một lần, còn sức là còn đi và trải nghiệm. 

“Lúc trước còn đi học mình không có tiền và thời gian để đi thăm thú nhiều nơi. Lớn lên, có công việc ổn định hơn, tôi đã chăm chỉ làm để tích góp tiền đi du lịch và thoả mãn những sở thích cá nhân. Bố mẹ tôi cũng có vài lần nhắc đến chuyện tích góp tiền làm được và lấy chồng ổn định, nhưng tôi thì nghĩ khác, cuộc sống là trải nghiệm nên tôi sẽ làm những điều tôi thích khi còn sức khoẻ và trẻ”, chị Lan Anh chia sẻ. 

Tâm lý của chị Lan Anh không phải là tâm lý thiểu số, bởi những năm qua, trước sự phát triển công nghệ và internet người ta có nhiều lý do hơn để chi tiêu và nâng cấp bản thân bằng những sở thích nhỏ nhặt. Và chính những điều nhỏ nhặt này đã khiến giới trẻ lúc nhận lương là tiền cũng gần hết. 

Theo New York Times, đại dịch COVID-19 càng là lý do để rất nhiều người trẻ 18-35 tuổi ưu tiên chi tiêu hơn là tiết kiệm vào năm 2022. Trải qua giai đoạn bất ổn, họ có xu hướng mua sắm nhiều hơn, không ngần ngại chi tiền để hưởng thụ hoặc theo đuổi đam mê.

Còn với anh Mai Toàn Khang (25 tuổi, ngụ ở quận 1, TPHCM) mới ra trường được vài năm nhưng đã có một công việc ổn định ở ngân hàng. Với mức lương nếu chạy doanh số đủ, anh Khang có thể thu nhập trên dưới 20.000.000 đồng/tháng. Thế nhưng, những khoản phí “tiêu theo tâm lý” khiến anh mắc kẹt giữa việc tiết kiệm để lập gia đình và chi tiêu cho nhu cầu cá nhân hiện tại. 

Theo anh Khang, trung bình mỗi ngày nếu chi tiêu tiết kiệm anh cũng mất khoảng gần 200.000 đồng/ngày tiền ăn uống. Tuy nhiên, có nhiều hôm bạn bè rủ đi ăn uống, nhậu ở các quán thì số tiền này có thể lên đến tiền triệu. Những chi phí khác như đám tiệc, tiền nhà, nước, điện…. khiến 20.000.000 đồng/tháng tiêu không khéo sẽ còn chẳng được bao nhiêu.

“Tôi nhiều lúc cũng muốn làm thêm công việc nào đó, nhưng công việc hiện tại tốn khá nhiều thời gian của mình nên vẫn chưa có cách nào tốt hơn. Đúng là nhiều khi tuổi trẻ tiết  kiệm sớm thì mình càng ổn, nhưng tôi vẫn chưa làm được”, anh Khang tâm sự.

Theo các chuyên gia, việc học cách chi tiêu cá nhân là vô cùng quan trọng. Trên mạng xã hội hiện nay có rất nhiều cách để chỉ bạn quản lý tài chính cá nhân. Tuy nhiên, dù bạn áp dụng phương pháp nào thì cũng phải tăng tính kỷ luật. Quản lý tài chính là một quá trình chứ không phải ngày một ngày hai. Do đó, mỗi người cần hạn chế tối đa các khoản chi không hợp lý, sau đó xem lại bản kế hoạch chi tiêu thường xuyên để nhắc nhở bản thân kiên trì đi đúng hướng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn