MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giới trẻ Nhật Bản bị ảnh hưởng nặng nề từ lạm phát

Quý An (theo Japan Times) LDO | 06/02/2023 23:01

Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết giá cả tăng cao đang gây tổn hại cho người tiêu dùng nước này, đặc biệt là những người trẻ tuổi.

Trong báo cáo kinh tế hàng năm công ngày 3.2 vừa qua, Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết đợt lạm phát gần đây tăng nhanh gấp đôi so với mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), nguyên nhân phần lớn là do chi phí cao hơn. Văn phòng cũng đồng thời cho biết, chưa đến lúc phải thay đổi chính sách tiền tệ ôn hòa.

Lạm phát trong nước và nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu đang phủ bóng đen lên nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, vốn bất ngờ suy giảm từ tháng 7 đến tháng 9.2022.

Nền kinh tế Nhật Bản cho đến nay đã được hỗ trợ bởi sự phục hồi trong lĩnh vực dịch vụ trước đó từng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Dù vậy, Văn phòng Nội các vẫn cảnh báo rằng tiêu dùng tư nhân - chiếm hơn một nửa nền kinh tế, có thể bị ảnh hưởng do tâm lý hộ gia đình xấu đi trong thời gian qua.

Lạm phát đang gây tổn hại cho đối tượng trẻ tuổi ở Nhật Bản. Ảnh: Xinhua

Văn phòng Nội các Nhật Bản cũng cho biết, chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ của những người từ 34 tuổi trở xuống đang có xu hướng giảm, nhưng mức giảm này lại thấp hơn so với thời kỳ đại dịch bắt đầu vào năm 2020. Ngoài giá cả tăng cao, sự sụt giảm có thể phản ánh “mối lo ngại ngày càng tăng về trợ cấp hưu trí trong tương lai và tính bền vững của hệ thống an sinh xã hội của quốc gia do sự lão hóa của xã hội”.

Các số liệu tương ứng về những người trong độ tuổi từ 35 đến 64 cũng như những người từ 65 tuổi trở lên cũng có xu hướng giảm.

“Khoản tiết kiệm đang tăng lên, mặc dù với tốc độ chậm hơn trước. Ngay cả trong giai đoạn giá cả tăng cao hiện nay, không thể quan sát thấy rằng mọi người đã rút tiền tiết kiệm của họ. Do đó, bất kỳ sự thúc đẩy nào đối với tiêu dùng vẫn chưa rõ ràng vào thời điểm này” – tài liệu nêu rõ.

Nhật Bản đã tụt hậu so với Mỹ và Châu Âu trong việc phục hồi sau suy thoái kinh tế do COVID-19. Tuy vậy, nhu cầu bị dồn nén, được hỗ trợ bởi các khoản tiết kiệm dư thừa tích lũy từ giai đoạn dịch bệnh, sẽ hỗ trợ nền kinh tế Nhật Bản. Ví dụ, tại Mỹ, số tiền tiết kiệm dồn nén đã thúc đẩy người tiêu dùng đẩy mạnh chi tiêu.

Văn phòng Nội các Nhật Bản đã công bố báo cáo phân tích các điều kiện kinh tế hàng năm 2022-2023, nhấn mạnh đến lạm phát khi nước này phải vật lộn với giá tiêu dùng ở mức cao nhất trong 40 năm.

Các công ty Nhật Bản đã tăng giá hàng hóa do chi phí nguyên vật liệu leo thang, được khuếch đại bởi sự mất giá lịch sử của đồng yên so với đồng USD. Song, các nhà kinh tế cho rằng các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn chưa chuyển hoàn toàn chi phí gia tăng cho người tiêu dùng vì e ngại sẽ có tác dụng ngược.

Năm ngoái, giá hàng hóa được giao dịch giữa các công ty đã tăng kỷ lục 9,7% so với một năm trước đó, cao hơn mức CPI 2,3% trong cùng năm.

BOJ kỳ vọng áp lực lạm phát sẽ giảm bớt trong năm nay và đã nhắc lại cam kết duy trì lãi suất cực thấp để thúc đẩy tăng trưởng tiền lương.

Theo đó, các công ty cần chuyển chi phí và tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn để có thể tăng lương nhiều hơn cho nhân viên. “Chúng tôi chưa đạt đến điểm mà tăng trưởng tiền lương đang hỗ trợ tăng giá. Ở giai đoạn này, các điều kiện chưa được đáp ứng để các điều kiện tài chính hỗ trợ hiện tại thay đổi” – báo cáo của Văn phòng Nội các cho biết.

Sự sụt giảm nhanh chóng của đồng yên vào năm ngoái xảy ra khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất mạnh mẽ. Động thái này từ FED đã buộc Nhật Bản phải nhiều lần can thiệp.

Theo dữ liệu của Bộ Tài chính Nhật Bản, đồng yên đã giảm khoảng 19% so với đồng USD vào năm ngoái.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn