MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xuất khẩu hàng Việt Nam tại cảng Dung Quất. Ảnh: PV

Giữ vững là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới

PHONG NGUYỄN LDO | 19/09/2019 15:17

Sáng nay (19.9), Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam (VRDF) 2019 với chủ đề “Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng - Ưu tiên và hành động” được tổ chức tại Hà Nội với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Với những nỗ lực không ngừng của Chính phủ và doanh nghiệp, kinh tế Việt Nam những năm gần đây đã khởi sắc, DN không ngừng phát triển, Việt Nam trở thành điểm thu hút đầu tư của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Việt Nam xếp thứ 8/20 nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư

Theo công bố mới đây của U.S. News & World Report, sau khi tăng 15 bậc, năm 2019 Việt Nam đã bỏ xa hạng 23, vượt lên xếp thứ 8 trong top 20 nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư. Xét riêng Châu Á, Việt Nam xếp hạng 4 chỉ sau Arab saudi, Ấn Độ và Qatar. Đánh giá của nhiều tổ chức cũng cho thấy, năm 2019, Việt Nam nổi lên như một địa chỉ đầu tư hấp dẫn đối với các DN FDI. Trong top 20 quốc gia có nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư, Việt Nam đã vươn từ vị trí thứ 23 năm ngoái lên vị trí thứ 8 trong năm nay, vượt qua các nước láng giềng Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia và Singapore. US News & World Report đánh giá rằng, những cải cách chính sách kinh tế đã giúp Việt Nam trở thành một quốc gia cạnh tranh và hiện đại hơn.

Trao đổi với PV Báo Lao Động sáng 18.9, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết: US.News and World report là một tổ chức nổi tiếng trên Thế giới, có uy tín trong việc đánh giá xếp hạng nhiều lĩnh vực của các quốc gia trên Thế giới. Việc xếp hạng của tổ chức này với Việt Nam vừa qua là khách quan vì đã dựa trên kết quả khảo sát ý kiến, đánh giá của 21.000 người từ 80 quốc gia trên thế giới và 7.000 lãnh đạo Công ty trên toàn cầu dựa trên 8 tiêu chí được các quốc gia thừa nhận, gồm: Tinh thần khởi nghiệp; sự ổn định kinh tế; chính sách thuế thuận lợi; sự sáng tạo; lao động có tay nghề; chuyên môn về công nghệ; sự năng động và vấn đề tham nhũng...

Theo Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng, các nhận định chung từ các tổ chức quốc tế và chuyên gia kinh tế uy tín trên thế giới đều đánh giá sự phát triển của Việt Nam phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Tầm vóc, vị thế và uy tín của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Thành quả quan trọng nhất của hơn 30 năm đổi mới là đã làm thay đổi hẳn diện mạo kinh tế Việt Nam, đời sống người dân được cải thiện, tỉ lệ nghèo đói giảm mạnh, Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình và hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều tổ chức tế giới có đánh giá khá lạc quan về nền kinh tế phát triển ổn định và môi trường đầu tư hấp dẫn ở Việt Nam.

Hồi tháng 7 năm nay, ADB cũng đưa ra đánh giá: Sau một thập niên, Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới và theo dự báo của ADB, Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong năm 2019 và dự báo tăng trưởng của Việt Nam cả năm 2019 sẽ vào khoảng 6,8%.

Ngân hàng Standard Chartered cũng đưa ra những dự báo lạc quan, Việt Nam sẽ tiếp tục là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong ngắn hạn với mức tăng trưởng dự kiến đạt 6,9% trong năm 2019; dòng vốn FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam trong năm nay, đặc biệt là vào lĩnh vực sản xuất với tổng lượng vốn thu hút được dự kiến đạt 18 tỉ USD.

Không được “ngủ quên trên chiến thắng”

Mặc dù nền kinh tế Việt Nam được cho là đang khởi sắc với những số liệu khá lạc quan, nhưng nhiều chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo về những khó khăn của nền kinh tế thế giới trong năm 2019 và trong vòng 1 thập niên tới, mà Việt Nam không thể là ngoại lệ.

Theo chuyên gia kinh tế - PGS TS Ngô Trí Long, trong những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam có nhiều bước tăng trưởng đáng ghi nhận, kinh tế vĩ mô ổn định, tỉ lệ lạm phát thấp, tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước, quý sau cao hơn quý trước. PGS TS Ngô Trí Long tin tưởng: “Năm 2019, kinh tế vĩ mô tiếp tục tăng trưởng khá với tổng GDP cả năm dự kiến sẽ đạt mức 6,8%, lạm phát được kìm dưới mức 4% như quốc hội đề ra. Kinh tế Việt Nam thực sự đã có nhiều bước đột phá đáng ghi nhận”.

Nghị quyết số 50-NQ/TW là cú hích quan trọng để hoàn thiện, đảm bảo môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi hơn nữa không chỉ đối với nhà đầu tư nước ngoài mà cả nhà đầu tư trong nước. Ảnh: P.V

Tuy nhiên, PGS TS Ngô Trí Long cũng băn khoăn: Về tăng trưởng kinh tế, kết quả khả quan hơn trước, nhưng cần phải đặt câu hỏi, tại sao tăng trưởng khá mà tình trạng tụt hậu vẫn lớn? Rồi còn hàng loạt vấn đề đặt ra như năng suất lao động thấp, mức thu nhập bình quân trên một đầu người hiện nay chỉ mới ở mức 2.500USD trong khi chúng ta đặt mục tiêu năm 2020 phải đạt mức thu nhập từ 3.200 đến 3.500USD/đầu người/năm...

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, điều quan trọng hiện nay, như Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị đã đề ra, chúng ta không thu hút đầu tư FDI bằng mọi giá, mà cần lựa chọn đầu tư FDI thế hệ mới, bảo đảm an ninh quốc phòng, không gây tổn thương cho môi trường và các vấn đề an toàn xã hội của Việt Nam, bởi hiện nay, phát triển bền vững đã trở thành xu thế toàn cầu, xu hướng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên thế giới cũng thay đổi theo hướng đầu tư vào công nghệ cao, chú trọng chất lượng, đổi mới, sáng tạo, dựa vào hiệu quả đầu tư thay vì lợi nhuận như trước đây.

Tổ chức Thương mại và phát triển của LHQ đánh giá Việt Nam là 1/12 quốc gia trên thế giới sử dụng hiệu quả nhất nguồn vốn FDI. Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị với tên gọi “định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030” sẽ là cú hích quan trọng để hoàn thiện, đảm bảo môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi hơn nữa không chỉ đối với nhà đầu tư nước ngoài mà cả nhà đầu tư trong nước, góp phần khẳng định thứ hạng trong ASEAN về môi trường kinh doanh.

(Thứ trưởng Bộ KHĐT Vũ Đại Thắng)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn