MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nông dân miền Tây tất bật thu hoạch vụ lúa Đông Xuân 2024. Ảnh: Phương Anh

Giữa làn sóng thương lái bỏ cọc, nhiều nông dân bình thản vì được bao tiêu

VÂN HI LDO | 10/03/2024 06:13

Trên những cánh đồng lúa chín vàng tại các tỉnh, thành ĐBSCL hiện đang vắng bóng thương lái vì giá lúa biến động khiến thương lái bỏ cọc. Tuy nhiên, vẫn có một số nông dân không quá lo lắng vì đã liên kết sản xuất được công ty bao tiêu sản phẩm, giữ giá bán ổn định so với thị trường.

Giá lúa biến động, thương lái bỏ cọc

Thời điểm này, tại các tỉnh, thành ĐBSCL nông dân đang tiến hành thu hoạch rộ vụ lúa Đông Xuân 2024. Tuy nhiên, giá lúa hiện biến động lúc tăng, lúc giảm so với cách đây khoảng 1 tháng kéo theo tình trạng thương lái bẻ kèo, không thu mua dù đã đặt cọc từ trước.

Trước đó thương lái đến đặt cọc giống lúa Đài Thơm 8 của ông Nguyễn Văn Nghĩa (huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) với giá 9.000 đồng/kg, tuy nhiên sau đó thương lái đã bỏ cọc vì không thể thỏa thuận thống nhất khi giá lúa sụt giảm.

Ông Nghĩa cho biết: “Cách đây khoảng 1 tuần, giá lúa sụt giảm còn dưới 8.000 đồng/kg, thương lái đến gặp tôi bàn bạc lại giá. Tuy nhiên, trước đó đã thống nhất nếu lúa tăng hoặc giảm dưới 500 đồng thì hai bên chia đôi, nhưng vì giảm hơn 1.000 đồng nên không thể thống nhất, do đó họ bỏ cọc”.

“Trước Tết có 2-3 thương lái đến đặt cọc giống OM 5451 giá 8.100 đồng/kg. Sau khi giá lúa sụt giảm, họ gọi báo bỏ cọc vì giá giảm sâu nếu thu mua giá cũ sẽ lỗ”, anh Nguyễn Đức Quy (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) cho hay.

Nông dân ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa Đông Xuân trong bối cảnh giá lúa biến động từng ngày. Ảnh: Phương Anh

Tình trạng thương lái bỏ cọc cũng xảy ra đối với gia đình bà Bùi Thị Tím (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) dù đã cận ngày thu hoạch. “Thương lái gọi cho tôi nói, nếu như giảm giá lúa xuống theo giá thị trường hiện 7.500 đồng/kg thì sẽ mua, tức là giảm 1.400 đồng so với giá cũ. Kì kèo mãi không được nên họ bỏ cọc, không mua nữa”, bà Tím nói.

Ông Tám Mau (thương lái thu mua lúa tại TP Cần Thơ) cho biết: “Tôi đặt cọc ở khu vực các quận, huyện Cần Thơ cũng gần 15 hộ. Trước Tết, giá lúa cao nên đặt cọc cao, không nghĩ sau đó giá lúa giảm xuống gần 2.000 đồng/kg. Những chủ hộ nào thương lượng được thì tiếp tục mua, còn không tôi đành chấp nhận bỏ cọc, tính hết bỏ cọc cũng gần 15 triệu đồng, nhưng nếu không bỏ mua giá cũ mình sẽ lỗ nặng”.

Không lo vì được bao tiêu

Tình trạng giá lúa biến động lúc tăng, lúc giảm thương lái bỏ cọc khiến nông dân phải vất vả chạy tìm người mua. Tuy nhiên, tại một số cánh đồng có liên kết sản xuất với doanh nghiệp nông dân không quá lo lắng vì được bao tiêu đầu ra, hỗ trợ giá và giữ giá bán ổn định so với thị trường.

Gần 4 năm qua chị Như Hạ (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) thoát cảnh bấp bênh, tìm đầu ra và không sợ thương lái ép giá vì kí hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp sản xuất lúa gạo.

“Giá lúa được công ty niêm yết lấy theo từng vụ, lấy giá luôn ổn định theo thị trường nên không sợ chênh lệch cao thấp nhiều. Vụ này, phía công ty tôi có hỗ trợ thêm 150 đồng/kg cho bà con nông dân, giá gốc công ty lấy là 8.000 đồng/kg, cộng thêm trợ giá vụ này tôi bán giá 8.150 đồng/kg”, chị Hạ cho biết.

Tương tự, lão nông Nguyễn Văn Còn (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) không những được công ty sản xuất lúa gạo hỗ trợ giá, không phải lo cảnh bị thương lái bỏ cọc, mà chi phí vật tư cũng thấp hơn so với thị trường.

“Tôi kí hợp đồng liên kết với doanh nghiệp sản xuất lúa gạo cũng 5-6 năm. Khi ký hợp đồng, được doanh nghiệp cung cấp các loại vật tư, giống lúa đạt chuẩn, trang thiết bị, máy móc, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn với giá thành thấp hơn 5 - 7% so với giá thị trường, nhờ đó mà nhẹ gánh nặng chi phí”, ông Còn nói.

Trước đó, trao đổi tại Hội thảo về Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam - Trách nhiệm và bền vững trong khuôn khổ Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang vào cuối năm 2023, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời Nguyễn Duy Thuận cho biết, doanh nghiệp là cầu nối trong chuỗi giá trị lúa gạo. Muốn tạo thành chuỗi được thì phải tổ chức vùng nguyên liệu, chuyển giao quy trình sản xuất cho nông dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn