MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trình diễn hò bả trạo tại lễ hội cầu ngư

Giục giã vươn khơi

Hữu Nhân LDO | 16/02/2018 11:00

Những cơn sóng rì rầm như lời tự tình của biển và bờ báo hiệu xuân đang đến. Xóm làng ven biển Sa Huỳnh (Đức Phổ, Quảng Ngãi) ngân nga lời ca và tiếng nhạc của đội sắc bùa, rộn ràng nhịp phách cùng lời ca của đội hò bả trạo. Dẫu bận rộn vào dịp cuối năm nhưng họ vẫn miệt mài luyện tập để phục vụ lễ hội cầu ngư đầu năm mới nơi cửa biển Sa Huỳnh.

Sớm mùng 3 Tết, những lão ngư trong Ban tế tự vạn chài Thạch By, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ, Quảng Ngãi) tề tựu đông đủ tại lăng thờ thần Nam Hải. Mâm cỗ được thành kính dâng lên ban thờ trong hương trầm thơm ngát.

Tiếng rì rầm khấn nguyện mong trời yên biển lặng, thuyền đầy cá tôm... của bậc cao niên lẫn tiếng chuông ngân nga trong sương sớm. Sau đó, các bô lão sang thắp hương khấn cầu Thiên Y A Na tại ngôi miếu phía đông cửa biển. Phần cuối buổi lễ diễn ra trên khu đất rộng với hát sắc bùa, hò bả trạo, múa lân và phát hiệu lệnh xuất hành.

Sau hồi trống lệnh, chiếc tàu cá của ngư dân làm ăn phát đạt trong năm qua được chọn dẫn đầu rẽ sóng vươn khơi. Tiếp đến, hàng trăm tàu cá nối đuôi nhau tiến ra biển trước sự reo hò cổ vũ của hàng nghìn du khách và người dân địa phương. Ra khỏi cửa biển, những tàu cá lượn vòng tròn khá điệu nghệ vẫy chào đất liền cùng với mong muốn cầu tài lộc cho cả năm...

"Bao đời, ngư dân bám biển mưu sinh nên lễ hội cầu ngư hết sức thiêng liêng đối với cư dân miền biển. Chúng tôi cầu thần Nam Hải giúp ngư dân được bình an, tàu thuyền ra khơi và trở về được an toàn, cá tôm đầy khoang..." - Cụ Lê Ơi - Trưởng Ban tế tự vạn chài Thạch By, thổ lộ.

Hàng trăm năm qua, lễ hội cầu ngư của cư dân Sa Huỳnh không thể thiếu vắng làn điệu múa hát sắc bùa và hò bả trạo với lời ca, điệu múa rộn ràng, giục giã vươn khơi. Lời ca sắc bùa động viên, khích lệ tinh thần ngư dân vươn khơi đánh bắt, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc: "Đây Hoàng Sa, kia Trường Sa/Hai vùng quần đảo nước ta bao đời... Lịch sử khẳng định chủ quyền nước ta/Trải qua bão táp phong ba/Vẫn không lay chuyển Hoàng Sa ngoan cường/Hiên ngang đứng vững trùng dương/Đây là quần đảo quê hương Lạc Hồng...".

Hò bả trạo ca ngợi sự phong phú, bao dung của biển... hòa cùng nhịp phách thật rộn ràng. Cùng với lời ca là những động tác mô tả cảnh buông - kéo lưới trên biển, cảnh tấp nập mua - bán hải sản khi thuyền cập bến. Động tác uyển chuyển nhưng mạnh mẽ, cuốn hút người xem. "Xem hò bả trạo tôi nhớ lại thời trai trẻ lênh đênh trên sóng nước đánh bắt cá tôm. Những động tác nhịp nhàng, dứt khoát tựa lúc chúng tôi buông - kéo lưới.

Khung cảnh mua - bán khi thuyền cập bến khá sinh động như cảnh thật ngoài đời làm cho ngư dân phấn khởi như được tiếp thêm sức mạnh để vươn khơi bám biển" - Ông Phan Hiển, Chi hội trưởng nghề cá xã Phổ Thạnh thổ lộ. Ông Lê Cơ, đội trưởng hát múa sắc bùa xã Phổ Thạnh, từng là lính Hải Quân với nhiều năm tuần tra trên biển.

Khi xuất ngũ trở về sinh sống ở quê, ông tham gia vào đội sắc bùa phục vụ lễ hội, khích lệ tinh thần ngư dân vươn khơi đánh bắt. "Giờ tuổi đã cao nhưng tôi nguyện đem lời ca, tiếng nhạc động viên ngư dân bám biển để chứng minh chủ quyền lãnh hải của đất nước...".

Sau nhiều năm bám biển, hai lão ngư Nguyễn Thuận và Huỳnh Mạnh rời tàu đảm nhận đội trưởng và đội phó đội hò bả trạo. Sắp bước qua tuổi thất thập, nhưng dáng vẻ hai ông khá nhanh nhẹn. Giọng ca ngân vang, động tác nhịp nhàng và rắn rỏi thúc giục cháu con tiếp nối tiền nhân vươn khơi. Đội hò bả trạo với hàng chục "diễn viên" múa hát khá chuẩn, người xem không ngớt vỗ tay tán thưởng.

"Chúng tôi là ngư dân nên được múa hát để phục vụ là niềm vinh dự lớn. Dù khoản thù lao chỉ vài trăm nghìn đồng nhưng ai cũng vui vẻ. Tôi muốn lời ca của mình tiếp thêm nghị lực cho con cháu tiếp bước cha ông bám biển mưu sinh" - ông Nguyễn Thuận tâm sự.

Xuân đã về trên vùng biển Sa Huỳnh lộng gió. Ngư dân nô nức vươn ra biển khơi xa trên tàu cá công suất lớn thay cho những chiếc thuyền chèo thuở trước. Với họ, biển cả cũng là quê hương không thể xa rời. Vậy nên, trải qua bao đời, họ cứ vẫn bám biển, đâu chỉ là mưu sinh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn