MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ Công Thương chậm trễ trình Nghị định về kinh doanh xăng dầu khiến doanh nghiệp bức xúc. Ảnh minh họa: Phan Anh

Giúp doanh nghiệp gỡ khó thủ tục, yên tâm kinh doanh sản xuất

Cường Anh - Minh Ánh LDO | 15/08/2023 13:41

Ông Phạm Ngọc Thạch - Phó Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thành viên dự án Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) - cho biết, qua khảo sát cho thấy, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính có chuyển biến song các doanh nghiệp vẫn báo cáo tình trạng phiền hà ở một số lĩnh vực chủ chốt.

Nhiều thủ tục hành chính gây phiền hà

Các lĩnh vực thủ tục hành chính phiền hà nhất theo cảm nhận của doanh nghiệp là thuế, phí (35% lượt doanh nghiệp lựa chọn), giải phóng mặt bằng (29%), bảo hiểm xã hội (20%) và xây dựng (13%)...

Trong số các thủ tục hành chính thuế, nhóm doanh nghiệp báo cáo gặp vướng mắc với khâu quyết toán thuế chiếm tỉ lệ lớn nhất với khoảng 49%, tiếp sau là khâu đề nghị miễn, giảm thuế (29%) và hoàn thuế (21%).

Tình trạng phiền hà về thuế, phí không chỉ đến từ những khó khăn về tuân thủ mà còn từ các hoạt động quản lý chuyên ngành khác.

Số giờ trung vị mỗi cuộc thanh tra, kiểm tra về thuế trong năm 2022 là 9 giờ, tăng so với kết quả năm 2021 và 2020 (lần lượt là 5 giờ và 8 giờ). Đáng chú ý hơn, 53,8% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “Thỏa thuận về các khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế là công việc quan trọng trong kinh doanh”, tăng so với mức 47,6% của năm 2021.

Ông Thạch cho biết, khảo sát PCI 2022, khoảng 42,6% doanh nghiệp có chi trả chi phí không chính thức, giảm khoảng 23 điểm phần trăm so với kết quả trong khảo sát PCI 2016. Tỉ lệ doanh nghiệp dành hơn 10% doanh thu để trả chi phí không chính thức trong PCI 2022 là 3,8%, giảm mạnh từ mức 9,1% của PCI 2016.

Tuy nhiên, một dấu hiệu đáng lo ngại là tỉ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định “tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến” lại gia tăng đáng kể, từ mức 57,4% trong năm 2021 lên đến 71,7% trong năm 2022. Hiện tượng này cần được đánh giá kỹ lưỡng hơn về nguyên nhân để có giải pháp phù hợp trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, theo ông Thạch, phiền hà trong thực hiện thủ tục đất đai hiện nay còn phổ biến. Khoảng 42,9% doanh nghiệp cho biết khó khăn với thủ tục đất đai khiến họ phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh trong năm 2022. Thời gian giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với quy định là vướng mắc mà nhiều doanh nghiệp gặp phải nhất (60,81%).

Những vướng mắc phổ biến khác gồm tình trạng mất nhiều thời gian để xác định giá trị quyền sử dụng đất (30,02%), quy trình giải quyết hồ sơ đất đai không đúng so với quy định (29,31%), hoặc không nhận được hướng dẫn đầy đủ từ cán bộ giải quyết thủ tục hành chính (29,15%).

Thấy gì từ Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu?

Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực từ ngày 2.1.2022. Song, sau nhiều lần trì hoãn, đến ngày 18.7.2023, Bộ Công Thương mới trình Chính phủ nghị định về kinh doanh xăng dầu.

Trao đổi với Lao Động, ông Giang Chấn Tây - đại diện Công ty TNHH MTV Bội Ngọc - cho biết, mặc dù đã có dự thảo sửa đổi, nhưng trong Nghị định số 95/2021 về kinh doanh xăng dầu không ghi rõ giá bán buôn tối đa, không quy định chi phí định mức, không quy định chiết khấu tối thiểu cho doanh nghiệp bán lẻ để duy trì chi phí tối thiểu hoạt động xuyên suốt.

“Nghị định sửa đổi phải đáp ứng được những tiêu chí chính, gồm: giảm được khâu trung gian trong lưu thông, phân phối, kinh doanh xăng, dầu; giảm đầu mối quản lý, tăng tính công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành xăng, dầu.

Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo phải sửa đổi Nghị định số 95/2021. Chúng tôi cũng đặt rất nhiều kỳ vọng vào việc sửa đổi này… Tuy nhiên đến nay, đã hết quý II/2023, Nghị định sửa đổi vẫn chưa được ban hành. Bởi thế, các doanh nghiệp bán lẻ vẫn tiếp tục nhận mức chiết khấu “ban phát”, tiếp tục chuỗi ngày kinh doanh thua lỗ đã kéo dài suốt hơn một năm qua” - ông Giang Chấn Tây cho hay.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính - cho biết, không thể để chậm trễ việc ban hành Nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu, bởi đây là nguồn cơn dẫn đến mâu thuẫn lợi ích giữa các nhóm doanh nghiệp và những vướng mắc, phát sinh thời gian qua.

Chuyên gia kiến nghị gỡ khó

Ông Phạm Ngọc Thạch cho biết, VCCI mong muốn các cơ quan Nhà nước cần tập trung cải cách một số lĩnh vực TTHC còn nhiều phiền hà theo phản ánh từ các doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia một cách thực chất. Đẩy nhanh triển khai dịch vụ công cấp độ 4 một cách toàn diện các lĩnh vực thủ tục hành chính ở tất cả các ngành, các cấp. Cuối cùng, là phải có cơ chế giám sát, đánh giá thực thi một cách hiệu quả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn