MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xây dựng vùng nguyên liệu giải quyết triệt để vấn đề sản xuất manh mún, nhỏ lẻ tại các địa phương. Ảnh: PV

Giúp nông dân thoát cảnh được mùa mất giá

NGUYÊN ANH LDO | 05/04/2022 13:12
Kiên Giang - Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn và đề án khuyến nông cộng đồng sẽ giải quyết triệt để vấn đề sản xuất manh mún, nhỏ lẻ tại các địa phương, tạo liên kết vùng hiệu quả, xóa bỏ tình trạng được mùa mất giá của nông dân bấy lâu nay.

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký Quyết định về phê duyệt đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025. Đề án được thực hiện trên địa bàn 46 huyện, thành phố của 13 tỉnh gồm Hòa Bình, Sơn La, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, An Giang.

Theo đó, đề án chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 (2022-2023) tập trung thí điểm xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn, tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện đề án. Giai đoạn 2 (2024-2025) hoàn thiện các nội dung đề án về khuyến nông, chuyển giao ứng dụng khoa học, công nghệ cho hợp tác xã, người dân, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý vùng nguyên liệu, thực hiện chính sách tín dụng, bảo hiểm, liên kết sản xuất... Tổng kinh phí thực hiện đề án trên 2.400 tỉ đồng.

Việc xây dựng vùng nguyên liệu cộng với hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông - vận tải, đô thị, thủy lợi, phòng chống thiên tai, logistics phục vụ nông nghiệp, nông thôn thì dòng chảy nông sản đến thị trường sẽ nhanh hơn, chi phí sẽ giảm hơn, sức cạnh tranh hàng hoá sẽ cao hơn.

Trong giai đoạn 2024-2025 đề án mở rộng xây dựng 5 trung tâm sơ chế, chế biến, bảo quản nguyên liệu (logistics) hỗ trợ hợp tác xã trong đó có trung tâm logistics lúa - tôm hữu cơ huyện An Minh (Kiên Giang).

Trước đó vào năm 2021, đoàn công tác của Bộ NNPTNT đã tham quan mô hình tôm – lúa hữu cơ Thạnh An và Thạnh Hoà, xã Đông Thạnh của huyện An Minh (Kiên Giang) với diện tích trên 600 ha và được 407 hộ thực hiện.

Giai đoạn 2024-2025 sẽ xây dựng trung tâm logistics lúa - tôm hữu cơ huyện An Minh (Kiên Giang). Ảnh: PV

Theo UBND huyện, kinh tế huyện An Minh là kinh tế tập thể, nòng cốt là Hợp tác xã thương hiệu hữu cơ được chứng nhận đạt chuẩn Mỹ và EU, Nhật công nhận. Đây là một thành phần kinh tế có vai trò to lớn, ý nghĩa toàn diện về mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước.

Thăm thực tế các mô hình, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh cần phát triển kinh tế tập thể nhanh và bền vững, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, xuất phát từ nhu cầu, lợi ích của người dân và tổ chức tham gia với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng, phát huy tối đa lợi thế của các vùng, miền, xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn...

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng phê duyệt đề án nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng. Đề án đề ra mục tiêu củng cố, kiện toàn hệ thống khuyến nông cơ sở theo hướng xã hội hóa, đa dạng chức năng dịch vụ, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đa dạng các hoạt động khuyến nông phục vụ xây dựng vùng nguyên liệu.

Ông Nam cho rằng đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025 có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp. Đề án đề ra giải pháp căn cơ, giải quyết triệt để vấn đề sản xuất manh mún, nhỏ lẻ tại các địa phương, tạo liên kết vùng hiệu quả, xóa bỏ tình trạng được mùa mất giá đang làm khó nông dân.

Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ triển khai giải pháp hỗ trợ các địa phương hoàn thiện kết cấu hạ tầng vùng sản xuất, tạo điều kiện đào tạo nguồn nhân lực và quản trị cho các hợp tác xã, tổ chức sản xuất theo quy hoạch vùng nguyên liệu...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn