MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cần hỗ trợ để doanh nghiệp thủy sản sớm ổn định sản xuất, hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu. Ảnh: Vân Hà

Gỡ bài toán nguyên liệu và nhân lực cho xuất khẩu thủy sản

Phong Nguyễn LDO | 21/09/2021 13:00
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho biết, để đạt kim ngạch xuất khẩu 8,8 tỉ USD năm 2021, ngành thủy sản phải gỡ được 2 nút thắt lớn nhất là nguyên liệu chế biến và nhân lực lao động.

Xuất khẩu thủy sản đang giảm tốc

Theo Tổng cục Thủy sản, trong 8 tháng năm 2021, xuất khẩu thủy sản đạt gần 5,6 tỉ USD, tăng khoảng 7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu tôm tăng 6,4% đạt 2,45 tỉ USD, cá tra đạt 993 triệu USD, tăng 8,8%, cá ngừ tăng 12%, mực, bạch tuộc và cá khác tăng 4-5%.

Ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay, xuất khẩu tăng trưởng 7% là nhờ xuất khẩu của 7 tháng trước đó tăng cao, “kéo” kim ngạch của cả 8 tháng lên cao. Trong 8 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020, Nga là thị trường xuất khẩu lớn nhất với mức tăng trưởng 52%; tiếp đến là thị trường Mỹ tăng gần 27%; Australia tăng 25%; EU tăng 10%; Hàn Quốc tương đương cùng kỳ năm ngoái; trong khi đó xuất khẩu sang Trung Quốc giảm sâu 14,6%, Nhật Bản giảm gần 3%.

Như vậy, so với tiềm năng của ngành thủy sản, thì mức tăng 7% XK thủy sản 8 tháng qua là chưa đúng kỳ vọng của ngành, bởi từ đầu năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã kỳ vọng XK thủy sản năm 2021 sẽ mang về 9 tỉ USD.

Vì những khó khăn hiện hữu và tác động khách quan của dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến dự báo kim ngạch XK thủy sản năm nay dự báo đạt khoảng 8,5-8,8 tỉ USD. Như vậy, trong bốn tháng cuối năm, ngành thủy sản cần phải đem về 3 tỉ USD. Đây là một thách thức rất lớn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 phức tạp tại các tỉnh Đông Nam Bộ và ĐBSCL.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), trải thời gian hoạt động trong hoàn cảnh giãn cách xã hội và phương thức hoạt động “3 tại chỗ”, kết quả XK thủy sản tháng 8 đã phản ánh rõ mức độ ảnh hưởng đối với ngành thủy sản, giảm gần 28% so với cùng kỳ năm trước và giảm ở hầu hết các sản phẩm chủ lực, đạt tổng cộng 588 triệu USD. Xuất khẩu tôm, cá tra, cá ngừ, mực, bạch tuộc, cua ghẹ và cá biển khác đều giảm từ 20-33% so với cùng kỳ năm 2020.

“Do ảnh hưởng của COVID-19, XK sang tất cả các thị trường trong tháng 8.2021 đều giảm từ 16-50% so với cùng kỳ năm 2020. XK sang Trung Quốc và Nhật Bản đều giảm mạnh 36%, sang EU giảm 32% (riêng sang Hà Lan giảm gần 50%, Đức giảm 42%). XK sang Mỹ và Nga giảm ít nhất là 16%. XK sang Anh giảm 48%, sang Australia và Canada giảm 35% và 37%” - ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Vasep cho hay.

Gỡ nút thắt nguyên liệu và nhân lực sản xuất

Theo khảo sát của VASEP, đến nay số lượng các đơn hàng xuất khẩu thủy sản đã tăng 10-20% so với năm 2020 do các thị trường trên thế giới đều đã khôi phục lại. Nhu cầu nhập khẩu thủy sản trên thế giới trong quý cuối năm sẽ tăng cao, đặc biệt để phục vụ tiêu dùng trong các kỳ nghỉ lễ lớn như Giáng sinh, Tết Dương lịch… Các DN cũng đón bắt nhu cầu này và đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn để đạt công suất sản xuất lớn nhất có thể. 

Ông Bùi Bá Sự - Phó Tổng Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Việt - Úc, nhận định các thị trường Mỹ, EU và Nhật Bản đang hồi phục kinh tế rất nhanh sau khi khống chế được dịch bệnh COVID-19, cùng với đó là nhu cầu nhập khẩu thủy sản, cụ thể là tôm cũng tăng cao. Nếu TPHCM sớm nới lỏng giãn cách vào cuối tháng 9 này, thì đây là tín hiệu đáng mừng vì các tỉnh, thành phía Nam, đặc biệt là các tỉnh ĐBSCL có thể mở cửa sẽ giúp các nhà máy sớm khôi phục sản xuất, phục vụ các đơn hàng. Tuy nhiên, vấn đề căn cơ nhất là nhân lực lao động và chuỗi cung ứng nguyên liệu phải được khơi thông trong thời gian sớm nhất.

Vasep cũng dự báo, XK thủy sản sẽ phục hồi dần trong quý IV, ước tăng 3% trong quý IV nếu có các giải pháp hiệu quả hỗ trợ sản xuất XK trong điều kiện mới. Ngoài đề xuất đẩy hanh tiêm vaccine cho người lao động, Vasep đề xuất Chính phủ ra Nghị quyết riêng cho sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông, thủy sản để các địa phương dành đủ quan tâm hỗ trợ cho DN và ngành hàng trong bối cảnh mới. Đề nghị các các địa phương tạo điều kiện để Sở NNPTNT có vai trò và tiếng nói trong Ban chỉ đạo Chống dịch của địa phương - để nông nghiệp, thủy sản có thêm cơ chế phục hồi sớm, tránh đứt gãy.

“Trong giai đoạn phục hồi sản xuất đi cùng bảo vệ thành quả chống dịch, vai trò của các địa phương là hết sức quan trọng có tác động lớn đến việc động viên và thúc đẩy các DN nhanh chóng ổn định sản xuất an toàn” - ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Vasep nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn