MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Gỡ các điểm nghẽn để xuất khẩu gỗ hồi phục

Phong Nguyễn LDO | 10/06/2023 19:48
Là “sếu đầu đàn” về xuất khẩu của ngành nông nghiệp, nhưng giá trị xuất khẩu gỗ đã giảm mạnh trong 5 tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nhóm hàng gỗ có cơ hội bứt phá để mang lại giá trị thặng dư. Các chuyên gia đưa ra các giải pháp hỗ trợ về chính sách thuế để ngành gỗ thoát khỏi các nút thắt hiện nay.

Kim ngạch xuất khẩu gỗ giảm mạnh, có đáng lo?

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), sau nhiều năm liên tục tăng trưởng nhanh, trong 5 tháng đầu năm nay kim ngạch xuất khẩu (XK) gỗ và sản phẩm gỗ đã giảm tới gần 30% so với cùng kì năm 2022, chỉ đạt 4,7 tỉ USD. Đặc biệt, sản phẩm gỗ chế biến sâu tới 38%. Hiện nay, chỉ còn một số mặt hàng như gỗ dán, ván sợi, ván bóc, dăm gỗ, viên nén còn tăng trưởng dương.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Viforest - cho hay, mặc dù XK gỗ giảm mạnh trong 5 tháng, nhưng trong các sản phẩm, vẫn có những nhóm hàng tăng trưởng. Cụ thể, trong khi xuất khẩu gỗ dán sản xuất từ gỗ cứng (chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ), giảm mạnh do chịu tác động của cuộc điều tra do Bộ Thương mại Mỹ (DOC) tiến hành từ giữa năm 2021 về chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá và thuế trợ cấp, thì sản phẩm gỗ dán sử dụng trong xây dựng XK sang thị trường này và châu Âu lại tăng.

“Đặc biệt, mặt hàng ván sợi có kim ngạch XK sang Ấn Độ đạt 21,19 triệu USD, tăng 3 lần so với cùng kì năm 2022. Ván sợi hiện chiếm 47% tổng giá trị XK gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Ấn Độ. Mặt hàng ván bóc XK cũng tăng 9% trong 4 tháng đầu năm, đạt 69,4 triệu USD” - bà Cao Thị Cẩm - ủy viên Vifores - thông tin.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết, các thị trường chính nhập khẩu mặt hàng này như Trung Quốc (57,2 triệu USD), Campuchia (3,4 triệu USD) đều tăng lần lượt 1% và 20% so với cùng kì năm 2022. Ngoài ra, XK ván bóc sang thị trường Ấn Độ cũng tăng mạnh. 

Đối với mặt hàng dăm gỗ, dù giảm rất mạnh so với cuối năm 2022, nhưng XK dăm gỗ trong 4 tháng năm 2023 đạt trên 4,1 triệu tấn, với trị giá 704,4 triệu USD, tăng 3% so với cùng kì năm 2022. Trung Quốc và Nhật Bản vẫn là 2 thị trường chính tiêu thụ dăm gỗ XK từ Việt Nam, trong đó XK sang Trung Quốc chiếm trên 70%.

Đặc biệt, XK viên nén dù giảm mạnh về lượng và giá, nhưng theo đánh giá của Chi hội Viên nén Gỗ Việt Nam, dự kiến trong tháng 6-7.2023, nhu cầu viên nén tại thị trường Hàn Quốc sẽ tăng trở lại với lương tiêu thụ 100.000 tấn/tháng.

“Tại Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt đã kí được các hợp đồng dài hạn 2-3 năm cung cấp viên nén. Có thể thấy, hai thị trường nhập khẩu lớn viên nén của Việt Nam là Hàn Quốc và Nhật Bản, (chiếm 98% tổng lượng) đang có tín hiệu tốt. Thị trường EU dần ổn định sau cơn sốt các nguồn cung ứng năng lượng, bao gồm cả nhiên liệu sinh khối. Tuy nhiên, với những cam kết giảm mạnh phát thải và tăng cường sử dụng năng lượng sinh học, xuất khẩu viên nén sẽ phục hồi cả về giá  và khối lượng từ những tháng cuối năm 2023” - bà Cao Thị Cẩm cho biết.

Xuất khẩu gỗ đang gặp rất nhiều khó khăn do lạm phát và một phần do tác động của chính sách hoàn thuế GTGT. Ảnh: Vũ Long 

Hoàn thuế giá trị gia tăng, tháo “nút thắt” để xuất khẩu gỗ phục hồi

Theo thống kê của Viforest, số tiền thuế giá trị gia tăng doanh nghiệp (DN) chế biến, XK gỗ chưa được hoàn trả là 6,1 nghìn tỉ đồng. Trong đó, các DN XK dăm thuộc Chi hội Dăm gỗ khoảng trên 4.000 tỉ đồng (riêng với 11 DN XK dăm lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, số thuế chưa được hoàn đến hết tháng 5.2023 là 1.105 tỉ đồng); các DN hội viên Chi hội Gỗ dán cũng chưa được hoàn thuế trên 500 tỉ đồng; số còn lại khoảng 1,6 nghìn tỉ đồng của các DN viên nén và chế biến xuất khẩu các sản phẩm gỗ khác. Các DN hết sức khó khăn khi không được hoàn thuế, thiếu vốn để xoay xở và hỗ trợ người lao động trong bối cảnh khan hiếm đơn hàng. 

Viforest đề nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế rà soát lại các vướng mắc tại các văn bản quy định hiện hành để gỡ khó cho DN, đảm bảo dòng tài chính để kí kết các hợp đồng mới, tránh trường hợp hiện có nhiều DN có đơn hàng nhưng lại không có dòng vốn để thực hiện.

“Nếu tình trạng hoàn thuế GTGT còn kéo dài và chưa có hướng xử lí, Viforest đề nghị bỏ thuế 10% đối với mặt hàng này, để tránh tình trạng lợi dụng việc hoàn thuế GTGT để gian lận ngân sách nhà nước, tác động xấu tới các DN tuân thủ pháp luật và làm ăn chân chính, hoặc có cơ chế, chính sách để DN đóng thuế hộ khâu chế biến gỗ trung gian với mức 1,5% và DN được phép hạch toán vào chi phí của DN” - ông Đỗ Xuân Lập kiến nghị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn