MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tăng trợ lực bằng các gói hỗ trợ phù hợp để doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Ảnh: Ngọc Hân

Gỡ điểm nghẽn lãi suất, tỉ giá để tiếp sức doanh nghiệp quay lại thị trường

THU GIANG LDO | 02/05/2023 07:07

Bước sang quý II/2023 nhiều doanh nghiệp đang rục rịch quay trở lại thị trường khi những tín hiệu kinh doanh đã có dấu hiệu khởi sắc. Đại diện các doanh nghiệp mới đây cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, đề xuất giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, lấy lại đà tăng trưởng cho sản xuất và xuất khẩu.

Doanh nghiệp cần tiếp sức

Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu mới đây, ông Trần Như Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - kiến nghị, cơ quan chức năng cần tăng cường xúc tiến thương mại, nhất là với các quốc gia trong khối CPTPP và EVFTA; đồng thời cần có gói vay ưu đãi lãi suất 0% cho doanh nghiệp để trả lương cho công nhân.

Theo ông Tùng, gói vay này có thể áp dụng cho những doanh nghiệp có phương án trả nợ tốt, đã hoàn trả xong khoản vay trước và nâng lên 6 tháng lương cơ bản thay vì 3 tháng lương như vừa qua.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề nghị hỗ trợ các dự án xanh hoá như giảm phát thải, sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu tái chế, chuyển đổi số trong ngành dệt may… để doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngoài ra, Nhà nước cần giảm 2% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn xanh và hỗ trợ lãi suất cho các dự án chuyển đổi xanh.

Tương tự, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam - nhìn nhận, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản đang không có nguồn vốn để mua nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, ngư dân, trong khi nhiều nguồn vay ngân hàng đến hạn phải trả.

Đáng chú ý, lãi suất vay USD đã tăng từ 2,1 - 2,3% lên hơn 4%. Ông Nam kiến nghị, Chính phủ cần có gói tín dụng khoảng 10.000 tỉ đồng lãi suất thấp để phục vụ thu mua nguyên liệu, giúp nông dân duy trì sản xuất.

Tăng trợ lực để phục hồi sản xuất

Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê trong tháng 4.2023, cả nước có khoảng 16.000 doanh nghiệp thành lập mới (tương đương hơn 530 doanh nghiệp thành lập mới/ngày) với số vốn đăng ký là 154,6 nghìn tỉ đồng và số lao động đăng ký gần 119,1 nghìn người.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, cả nước có 49,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 465.000 tỉ đồng và tổng số lao động đăng ký là 331,4 nghìn lao động.

Động thái tích cực này theo đánh giá của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch Đầu tư) là nhờ những chỉ đạo quyết liệt, liên tục của Chính phủ và các bộ, ngành.

Tại Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21.4.2023, Chính phủ đã ban hành một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển, coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ hàng đầu, từ đó khơi thông các điểm nghẽn, huy động và giải phóng các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.

Chính phủ đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trước mắt và lâu dài như hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu...

GS-TS Tô Trung Thành - Trưởng phòng Quản lý khoa học (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) - trước đó nhận định, kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức lớn. Cụ thể trong nước, vấn đề lãi suất, tín dụng, tỉ giá vẫn là điểm nghẽn, dư địa chính sách tiền tệ bị thu hẹp đáng kể, khả năng tăng nhanh tín dụng và giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng khó thực hiện.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 6,3% đến 6,5% trong năm 2023, GS.TS Tô Trung Thành khuyến nghị, Việt Nam ưu tiên sử dụng chính sách tài khoá, đẩy mạnh các gói hỗ trợ phù hợp. Đặc biệt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần rõ ràng, minh bạch, giảm thiểu phiền hà, quy trình tiếp cận.

Nếu những chính sách không phát huy được hiệu quả như gói cấp bù lãi suất 2%, chuyên gia cho rằng, nên xem xét, cân nhắc dừng lại để điều chuyển sang chính sách khác có hiệu quả hơn hoặc chuyển nguồn lực sang hỗ trợ khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn