MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng nghìn container phế liệu nhập khẩu còn tồn tại các cảng phía nam. Ảnh: H.H

Gỡ khó cho doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu sản xuất

ĐÔNG ANH LDO | 28/02/2019 06:39

Không phủ nhận việc Bộ Tài nguyên - Môi trường (TNMT) ban hành Thông tư số 08/2018/TT-BTNMT (Thông tư 08) và Thông tư 09/2018/TT-BTNMT (Thông tư 09) nhằm kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu phế liệu. Tuy nhiên, cũng chính 2 thông tư này đặt ra rào cản, gây trở ngại cho không ít doanh nghiệp (DN) ở tỉnh Bình Dương.

Trong đó có quy định, cán bộ Sở TNMT các địa phương phải phối hợp với các cơ quan hữu quan để ra thông báo lô hàng có đạt chất lượng nhập khẩu hay không (cụ thể phải kiểm tra 100% bằng mắt thường). Tréo ngoe là ngành TNMT lại không đủ nhân viên để thực hiện quy định trên; trong khi tại các cảng lưu chứa hàng hoá không thể sắp xếp các container phế liệu tách bạch để kiểm tra riêng. Chính điều này khiến cho công tác làm thủ tục nhập khẩu cho các container phế liệu càng khó khăn chất chồng.

Ông Nguyễn Trường Giang - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương cho biết: Trước tình hình trên, Hải quan Bình Dương đã làm việc với Sở TNMT, sau đó tham mưu UBND tỉnh có giải pháp gỡ khó cho DN. Ngành TNMT chỉ nên kiểm tra xác suất, căn cứ theo giám định thư mà không phải đi kiểm tra thực tế 100%. Đây là cách tháo gỡ khó khăn cho các DN trước tình trạng thiếu hụt nguyên liệu phục vụ sản xuất.

UBND tỉnh Bình Dương đã chấp thuận thực hiện theo kiến nghị này nhằm tạo điều kiện tốt nhất để DN thông quan các lô hàng phế liệu dùng làm nguyên liệu phục vụ sản xuất. Ông Giang cho biết: “Sở dĩ chúng tôi mạnh dạn tham mưu cho tỉnh thực hiện “xé rào” này, dù biết rằng cách này là trái với 2 Thông tư 08 và 09. Tuy nhiên, ai cũng biết đó là bất cập; hơn nữa các DN đang “đói” nguyên liệu là có thật, lại là các DN sản xuất chính hiệu, không phải uỷ thác hay bán buôn phế liệu qua lại. Chúng tôi nắm rất rõ các DN có nhu cầu nguyên liệu, họ có nhà máy, đầu tư lớn tại tỉnh. Do vậy, việc “xé rào” cũng là cần thiết và nên làm, nhằm khắc phục nhược điểm của chính sách”.

Nhờ sự cởi mở trên, hàng loạt DN giấy ở Bình Dương như Chánh Dương, Đồng Tiến, Kraft đã thoát khỏi tình trạng “đói” nguyên liệu trong gần 1 tháng qua. Tính riêng Cty Kraft, khi chưa có sự “xé rào”, buộc phải có sự kiểm tra của Sở TNMT, phí lưu kho của DN này đã lên tới 36 tỉ đồng. Song, gánh nặng trên nay đã giải toả.

Bình Dương có 1.519 container tồn ở cảng. Đây là những container phế liệu của 16 DN giấy nhập khẩu phế liệu để phục vụ hoạt động sản xuất. Theo ông Tống Quốc Thịnh - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng tổng hợp Bình Dương: “Với sự chấp thuận “xé rào” của UBND tỉnh, đến ngày 15.2, mới chỉ hơn 10 ngày, đã xử lý được 550 container phế liệu giấy tồn cảng”. Và, tới hôm nay, thì dường như không còn container phế liệu tồn tại các cảng tổng hợp Bình Dương nữa.

Đầu tháng 2.2019, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất thay đổi phương thức kiểm tra chất lượng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất theo hướng: Đơn vị giám định độc lập được Bộ TNMT chỉ định tổ chức giám định chất lượng phế liệu nhập khẩu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ kết quả giám định, phân tích chất lượng của các lô hàng phế liệu nhập khẩu sử dụng làm nguyên liệu sản xuất và có sự tham gia của cơ quan hải quan trong quá trình kiểm tra, lấy mẫu. Đơn vị này sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ kết quả giám định, phân tích chất lượng của lô hàng phế liệu nhập khẩu. Căn cứ vào kết quả kiểm tra của đơn vị giám định, cơ quan hải quan thực hiện việc thông quan các lô hàng phế liệu nhập khẩu theo quy định của pháp luật. Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ TNMT bãi bỏ những nội dung bất cập liên quan đến quy trình kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu sử dụng làm nguyên liệu sản xuất tại Thông tư 08 và Thông tư 09, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn