MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các doanh nghiệp đề nghị tháo gỡ nhiều nút thắt để thu mua lúa thuận lợi phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn

Gỡ "nút thắt" khiến giá lúa gạo giảm, xuất khẩu trầm lắng

Vũ Long LDO | 07/08/2021 16:18

Dù sản lượng vụ hè thu giảm, nhưng giá lúa tại đồng bằng sông Cửu Long đang giảm mạnh do đứt gãy chuỗi cung ứng, xuất khẩu bị ảnh hưởng.

Giá lúa gạo giảm phần lớn do đứt gãy nguồn cung ứng

Chia sẻ với PV Lao Động, ông Phạm Thái Bình – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ ao Trung An (Công ty Trung An) cho biết: Nếu theo hợp đồng đã cam kết, trong tuần này Công ty Trung An phải giao 11.111 tấn gạo đã trúng thầu xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, nhưng hiện doanh nghiệp không thể đáp ứng được do đứt gãy chuỗi chế biến, vận chuyển, bởi phần lớn người lao động đã nghỉ việc để thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.

"Doanh nghiệp không đủ nhân lực để chế biến, đóng bao và giao hàng xuống cảng biển. Công ty đã có thư gửi đối tác, chờ đến ngày 16.8 sẽ đàm phán chính thức có lùi thời hạn giao hàng do ảnh hưởng giãn cách hay không” – ông Phạm Thái Bình cho biết.

Ông Nguyễn Trung Kiên – Chủ tịch Hội đồng quản trị Gentraco cũng cho biết, doanh nghiệp của ông chưa xuất khẩu gạo vì đang thực hiện giãn cách xã hội.

Không riêng gì các doanh nghiệp Trung An, Gentraco, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng đang trong tình trạng khó khăn do không đủ điều kiện đáp ứng “3 tại chỗ” (3T) để cung ứng gạo. Bên cạnh đó, hoạt động hải quan, cảng biển cũng đang đình trệ do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Điều này khiến lượng lúa gạo tồn đọng cả tại kho của doanh nghiệp và trong dân rất lớn, trong khi lượng lúa còn lại chưa thu hoạch còn khá nhiều.

Ông Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, hiện, một số tỉnh trọng điểm sản xuất lúa hè thu như An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp đã qua đỉnh thu hoạch lúa hè thu, dự kiến sản lượng lúa hè thu của 3 tỉnh còn khoảng 1,5 triệu tấn.

Gỡ các “điểm nghẽn” để lưu thông lúa gạo

Báo cáo vấn đề này, tại cuộc họp trực tuyến sáng nay với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) về tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết: Sản lượng thu mua lúa hè thu năm nay sụt giảm 20-30%, giá thu mua cũng giảm.

Điều đáng nói là, giá lúa gạo và các hàng nông sản khác giảm sâu, không phải do "cung" vượt "cầu" mà là do đứt gãy nghiêm trọng chuỗi cung ứng bởi nhiều nguyên nhân: Nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng thực hiện 3T; nhiều nhà máy sấy lúa, nhà máy xay, ghe (thuyền)... không hoạt động được do yêu cầu phải có giấy xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2; nhiều thương lái lo đi vào vùng dịch về phải cách ly nên không đến các địa phương khác để thu gom lúa...

“Nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước vẫn có, nhưng các doanh nghiệp không giao hàng được vì không đủ nhân lực” – ông Lê Thanh Tùng nói.

Phân tích thêm về vấn đề này, ông Lê Thanh Tùng cho biết, Tân Cảng là cảng container chính đã ngưng nhận giao gạo xuất khẩu từ tháng 7.2021 và chưa rõ khi nào có thể tiếp tục; lượng container ứ đọng tại cảng Cát Lái (TPHCM) lớn do chỉ còn 50% nhân sự làm việc.

Ông Trần Anh Thư cũng cho biết thực trạng do cảng Cát Lái bị phong tỏa, nhiều tàu phải nằm chờ bên ngoài để xếp hàng vào lấy gạo dẫn đến ùn ứ. “Phải có phương án cho tàu vào lấy gạo thì doanh nghiệp mới tháo gỡ được gạo trong kho, sau đó mới đi mua tiếp cho nông dân" - ông Thư nói.

Để giải phóng lượng lúa còn tồn đọng trong dân, đồng loạt các doanh nghiệp ngành lúa gạo đều kiến nghị các địa phương tạo điều kiện cho đội ngũ đi thu mua lúa, các ngân hàng có chính sách ưu đãi lãi suất để các doanh nghiệp tích cực thu mua lúa tạm trữ cho nông dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư đề nghị Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương có kiến nghị với Chính phủ yêu cầu Tổng cục Dự trữ Quốc gia thu mua 100.000 tấn gạo theo chương trình dự trữ quốc gia để kích cầu tiêu thụ lúa gạo.

Theo đề nghị của Tập đoàn Lộc Trời, ngoài việc các tỉnh hỗ trợ "luồng xanh" cho xe vận chuyển lúa, các ngân hàng thương mại cần có chính sách ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp vay thu mua lúa cho dân.

Nếu được xem xét, hỗ trợ, Tập đoàn Lộc Trời cam kết sẽ thu mua một số giống lúa cho dân với giá ổn định, không để rớt giá; đảm bảo tiến độ giao hàng xuất khẩu và nội địa.

Tập đoàn Lộc Trời cũng cam kết không tăng giá vật tư nông nghiệp trong năm 2021 và cung cấp đầy đủ vật tư nông nghiệp cho các hợp tác xã sản xuất lúa thu đông...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn