MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiêu chí môi trường được các địa phương đẩy mạnh quan tâm, thực hiện trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Vũ Long

Gỡ nút thắt môi trường đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới

Vũ Long LDO | 21/11/2023 12:18

Môi trường là một trong những tiêu chí khó khăn trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đang nỗ lực gỡ nút thắt này.

Phương pháp xử lý rác thải nông thôn còn thô sơ

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), hiện nay, còn khoảng 71% chất thải rắn sinh hoạt vẫn chủ yếu được xử lý theo hình thức chôn lấp, chỉ 16% được xử lý tại các nhà máy chế biến sản xuất phân compost và 13% được xử lý bằng phương pháp đốt.

Việc xử lý chất thải rắn tại các địa phương chưa được áp dụng các phương pháp và công nghệ đảm bảo, xảy ra tình trạng ở một số địa phương, mỗi xã có một lò đốt, các lò đốt chất thải rắn sinh hoạt này hầu hết là có quy mô nhỏ với công suất dưới 300kg/h. Với những lò đốt công suất nhỏ cấp xã này, hệ thống xử lý khí thải không có hoặc có nhưng không đạt yêu cầu.

Điều này lý giải vì sao một số địa phương xây dựng nông thôn mới đạt hầu hết các tiêu chí, nhưng lại gặp khó khăn ở tiêu chí số 17 và 18 (tiêu chí môi trường và tiêu chí chất lượng môi trường sống).

Bảo vệ môi trường sống, xây dựng nông thôn sạch đẹp, văn minh

Là một trong những tỉnh miền núi nỗ lực đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Sơn La đang từng bước hoàn thiện và nâng cao tiêu chí số 17 về môi trường. Tại huyện Sông Mã, các tổ chức đoàn thể đã xây dựng chương trình phối hợp triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, trọng tâm là bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch đẹp.

Xây dựng nông thôn mới phải được gắn với xử lý chất thải nông nghiệp đúng yêu cầu. Ảnh: Vũ Long

Tham gia thực hiện, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Sông Mã đã chỉ đạo 19 cơ sở hội đăng ký phần việc thực hiện năm 2023 bằng mô hình “5 không, “3 sạch”, xây dựng đoạn đường, tuyến đường hoa; ra mắt 2 mô hình “thu gom rác thải nhựa”. Đoàn thanh niên huyện duy trì hiệu quả chương trình “Thứ bảy tình nguyện”, ngày “Chủ nhật xanh”. Hội Nông dân phát động phong trào vệ sinh xung quanh nhà ở, di chuyển chuồng trại chăn nuôi ra xa nhà ở, thu gom ủ phân chuồng để chăm sóc cây trồng...

Từ năm 2022 đến nay, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn huyện đã dọn vệ sinh gần 6.000km đường giao thông và gần 600km rãnh; trồng 21.650 cây phân tán; làm 1.792 nhà vệ sinh và di dời 2.999 chuồng chăn nuôi ra xa khu nhà ở; trồng gần 30km đường hoa..., góp phần tạo diện mạo vùng quê đáng sống sau xây dựng các tiêu chí NTM.

Theo Sở NNPTNT Bình Thuận, những năm vừa qua việc triển khai thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh được quan tâm. Công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cũng được các sở ngành và địa phương chú trọng, nhiều hoạt động tuyên truyền, tập huấn các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng các mô hình về bảo vê môi trường tại các khu vực nông thôn được tổ chức khá đều đặn.

Diện mạo nông thôn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã thay da đổi thịt nhờ sự phát triển của các tổ tự quản ở các khu dân cư. Xã Tràng Đà, TP Tuyên Quang là một trong những địa phương điển hình trong thực hiện Tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, nổi bật là phong trào “Tuyên Quang chung tay phân loại rác thải và chống rác thải nhựa”.

Sự hoạt động hiệu quả của các tổ nhân dân tự quản, phong trào này đã được duy trì thành nền nếp tại các khu dân cư. Cụ thể, xã Tràng Đà đã thành lập và nhân rộng được 9 mô hình tự quản về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải nhựa. Các thành viên trong tổ, nhóm tự quản đã tuyên truyền, vận động người dân ở khu dân cư tham gia phân loại rác thải ngay tại gia đình, khuyến khích việc xây bể xử lý rác thải hữu cơ, góp phần hạn chế rác thải nhựa giảm thiểu ô nhiễm môi trường. 100% các tổ tự quản đã xây dựng quy chế, phân công các thành viên của tổ tự quản phụ trách các nhóm hộ gia đình.

Với hơn 2.260 tổ nhân dân tự quản về bảo vệ môi trường hoạt động tích cực tại các xã trên địa bàn tỉnh, các vấn đề như vứt rác thải bừa bãi, xử lý rác thải ra môi trường nông thôn đã được hạn chế và giải quyết, góp phần giúp các xã xây dựng thành công các tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn.

Là một huyện có thế mạnh về nông nghiệp, để giảm ô nhiễm môi trường và bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, huyện Ba Vì (Hà Nội) đặt mục tiêu huy động nguồn lực đầu tư khoảng 350 tỉ đồng xây dựng khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại xã Đồng Thái với diện tích 4ha...

Theo Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, không chỉ các địa phương nêu trên, hiện nay, cả nước đang đẩy mạnh tiêu chí môi trường, rút gắn thời gian về đích xây dựng NTM, NTM nâng cao...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn