MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Gỡ nút thắt thiếu nguồn cung xăng dầu

Anh Tuấn LDO | 10/11/2022 06:23

Để gỡ nút thắt về sự thiếu hụt nguồn cung xăng dầu, ngoài việc có những chính sách về tín dụng cho doanh nghiệp, cần  rà soát và điều chỉnh công thức giá cơ sở đối với hàng nhập khẩu. Việc xem xét và sắp xếp lại hệ thống cung ứng xăng dầu một cách hợp lý cũng là cần thiết khi thị trường bình ổn trở lại.

Doanh nghiệp xăng dầu thực sự khó khăn

Nói về những biến động của thị trường xăng dầu trong thời gian qua, trao đổi với Lao Động, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết, Bộ Công Thương đã có những nhận định, dự báo và xây dựng kế hoạch tổng nguồn tối thiểu năm 2022 tăng cao so với năm 2021, để phù hợp với mức tăng trưởng của kinh tế - xã hội.

Đồng thời giao nhập khẩu bổ sung thêm 2,4 triệu m3 xăng dầu các loại (tương đương 10%) trong quý II, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường nội địa.

Đến hết quý III, các thương nhân đầu mối đã thực hiện được khoảng 83% kế hoạch tổng nguồn tối thiểu năm 2022. Nếu tính cả lượng giao nhập khẩu tăng thêm trong quý II, con số này là 75%.

Dù vậy, ông Bùi Ngọc Bảo cho rằng, việc nhập khẩu xăng dầu hiện nay thực sự khó khăn. Khủng hoảng năng lượng toàn cầu diễn ra, trong khi mùa đông bắt đầu ở Châu Âu khiến nhu cầu dầu tăng nhanh, cùng với lệnh cấm vận đối với các sản phẩm của Nga đã tạo ra sự khan hiếm nguồn cung xăng dầu trên thị trường quốc tế.

Sự khan hiếm này một mặt khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn cung, mặt khác làm chi phí tạo nguồn của doanh nghiệp, bao gồm premium nhập khẩu, bị đẩy lên rất cao. 

"Đến tháng 11.2022, các hợp đồng đã ký kết, thậm chí có mức premium lên tới 11-12 USD/thùng. Đây có thể nói là mức đỉnh trong hàng chục năm nay", Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu cho biết.

Một yếu tố khác ảnh hưởng đến hoạt động nhập khẩu xăng dầu là mức thuế nhập khẩu không đồng đều ở các khu vực, thị trường nhập khẩu.

Nguồn cung nhỏ giọt, nhiều cửa hàng xăng dầu thiếu hàng trong thời gian vừa qua. Ảnh: CTV 

Đối với các nước ASEAN, theo Hiệp định Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA), hiện mức thuế suất thuế nhập khẩu cho xăng là 8%, dầu diesel là 0%. 

Trong khi đó, với các thị trường khác theo cơ chế thuế tối huệ quốc (Most Favoured Nation - MFN), dù tháng 8 vừa qua, Chính phủ đã điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì giảm từ 20% xuống 10%, nhưng rõ ràng vẫn còn chênh 2% so với nhập khẩu từ các nước ASEAN.

Thêm nữa, thuế nhập khẩu MFN với mặt hàng dầu diesel vẫn ở mức cao là 8% khi đặt cạnh con số 0% của AFTA.

"Rõ ràng, với mức chênh lệch như vậy, các doanh nghiệp luôn hướng tới các mặt hàng xăng dầu có xuất xứ từ ASEAN để được hưởng ưu đãi”, ông Bùi Ngọc Bảo cho hay.

Vấn đề nảy sinh khi nguồn hàng tại các thị trường này không có nhiều, mà chuyển sang nhập khẩu ở các thị trường khác thì lại phải chịu thuế MFN cao hơn, chi phí tạo nguồn đội lên nhiều lần, doanh nghiệp lỗ càng thêm lỗ.

Những nút thắt đang dần được tháo gỡ 

Liên quan đến những vướng mắc, khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp xăng dầu thời gian qua, ông Bùi Ngọc Bảo khẳng định, các bộ, ngành đã vào cuộc giải quyết hầu hết các kiến nghị của doanh nghiệp.

Đặc biệt, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã báo cáo Chính phủ và điều chỉnh sớm chi phí tạo nguồn, thay vì chờ hết thời hạn 6 tháng, nhằm tính đúng, tính đủ cho doanh nghiệp trong công thức giá cơ sở xăng dầu.

Cùng với đó, ông Bảo cũng cho hay, hạn mức tín dụng dành cho các doanh nghiệp xăng dầu trong năm 2022 đúng là vẫn còn, nhưng để sử dụng được hạn mức này, các doanh nghiệp phải đảm bảo được tài sản thế chấp và các phương án kinh doanh phải có lãi. Trong khi thực tế, các doanh nghiệp đang chịu lỗ nặng, nên rất khó để sử dụng được hết hạn mức.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị chỉ đạo cụ thể các ngân hàng thương mại xem xét giải quyết cụ thể đối với từng doanh nghiệp đang khó khăn trong việc tiếp cận vốn bảo lãnh và thanh khoản, tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu mối đảm bảo phương án thực hiện tổng nguồn. 

Cộng hưởng với các giải pháp hỗ trợ từ phía bộ ngành, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu cũng đang nỗ lực tối đa để đảm bảo nguồn cung. 

Đối với nguồn trong nước, ngay sau khi Bộ Công Thương chỉ đạo về việc tăng công suất sản xuất xăng dầu trong nước, ngày 18.10 nhà máy lọc dầu Dung Quất đã tăng công suất vận hành từ 107% lên 109%. 

"Từ đêm 4.11 đến rạng sáng 5.11, nhà máy đã nâng dần công suất lên 112% và có thể giữ ổn định ở 112% công suất nếu đảm bảo nguồn nguyên liệu bổ sung và điều kiện thời tiết thuận lợi", đại diện Petrovietnam thông tin.

Trong khi đó, Nghi Sơn, sau giai đoạn gặp vấn đề phải giảm công suất, hiện cũng đã hoạt động ổn định ở mức 100% công suất.

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam dự báo, tình hình trong thời gian tới sẽ tiếp tục khó khăn trong bối cảnh chung của thế giới, tuy nhiên nguồn cung xăng dầu sẽ vẫn được đảm bảo. Những giải pháp đồng bộ cần tiếp tục được triển khai, bao gồm giải quyết các vướng mắc cụ thể của doanh nghiệp để đảm bảo tiến độ thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu Bộ Công Thương đã phân giao;

Đồng thời rà soát và điều chỉnh công thức giá cơ sở đối với hàng nhập khẩu. Việc xem xét và sắp xếp lại hệ thống cung ứng xăng dầu một cách hợp lý cũng là cần thiết khi thị trường bình ổn trở lại.

Đại diện Petrolimex cho biết, tại TPHCM, trong một số ngày tháng 10, sản lượng xăng dầu xuất bán của các cửa hàng thuộc tập đoàn tăng đến 2,4 lần so với trước đây; trong khi tại Hà Nội, có những ngày đầu tháng 11 lượng xăng dầu xuất bán tăng trung bình 35-40% so với tháng 10. Theo thông báo mới nhất, các cây xăng của Petrolimex tại Hà Nội sẽ bán hàng 24/24 đến hết ngày 13.11.2022.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn