MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và đồ gỗ nội thất cần cảnh giác với nguồn cung gỗ tròn nhập khẩu. Ảnh minh họa: Vũ Long

Gỗ tròn xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu từ Châu Phi và nguy cơ rủi ro lớn

Vũ Long LDO | 24/04/2021 18:37

Việc nhập khẩu gỗ tròn từ các nước, chủ yếu từ Châu Phi làm tăng nguy cơ rủi ro cho doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ của Việt Nam.

Gỗ tròn xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu từ Châu Phi

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2020, giá trị nhập khẩu gỗ từ Châu Phi là 373,6 triệu USD. Các nước Châu Phi có khối lượng gỗ lớn nhất xuất khẩu sang Việt Nam là Cameroon, Congo, Kenya, Nam Phi, Nigeria và Ghana.

“Trong số đó, số lượng gỗ tròn xuất khẩu sang Việt Nam chiếm số lượng lớn nhất, tới 70% và Cameroon là quốc gia xuất khẩu gỗ xẻ lớn nhất cho Việt Nam trong những năm gần đây. Riêng năm 2020, Cameroon xuất khẩu cho Việt Nam 393,7 ngàn mét khối, trị giá kim ngạch đạt 147 triệu USD” – ông Tô Xuân Phúc - chuyên gia về lâm nghiệp và thương mại gỗ thuộc Tổ chức Forest Trends - cho biết.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, trong số các loại gỗ tròn được các doanh nghiệp nhập khẩu về, thì các loại lim, gõ, xoan đào và hương là 4 loài gỗ tròn được nhập khẩu nhiều nhất từ Châu Phi, trong đó gỗ lim tròn nhập khẩu trong năm 2020 là 254,2 nghìn mét khối, giá trị đạt trên 93,3 triệu USD.

Rủi ro nhập khẩu gỗ tròn từ 10 nước xuất khẩu gỗ

Nguồn tin từ các Dự án hỗ trợ thực thi Hiệp định VPA/FLEG tại Việt Nam cũng cho biết, nhập khẩu gỗ tròn nhiệt đới có nhiều nguy cơ rủi ro. Tại Cameroon – thị trường cung cấp gỗ lớn nhất cho Việt Nam - có tới 24 loài cấm được xuất khẩu dưới dạng gỗ tròn, trong đó có những loại được ưa chuộng tại Việt Nam như: Gụ, xoan, cẩm lai, óc chó, gõ, sến, dổi, hương…

Tại thị trường này, Bộ Lâm nghiệp và Thiên nhiên hoang dã và Bộ Tài chính chịu trách nhiệm đảm bảo tuân thủ pháp luật đối với việc xuất khẩu các sản phẩm gỗ. Loài bị cấm khai thác dưới hình thức gỗ tròn như Hương (Padouk), xoan đào (Sapelli), óc chó (bibolo), dổi (movingui); loài có hạn ngạch xuất khẩu gỗ tròn như: Cẩm quỳ (ayous); loài xuất khẩu phải có giấy phép CITES như tếch (afrormasia)… Tất cả các lâm sản khi xuất khẩu phải có giấy phép xuất khẩu, sản phẩm gỗ phải được đưa vào kiểm tra, kiểm dịch thực vật…

Tại thị trường Angola, gỗ tròn bị cấm xuất khẩu. Tại Angola, thời gian cấp phép khai thác gỗ từ 1.11 đến ngày 30.4 năm sau; thời gian khai thác thường diễn ra từ ngày 1.5-31.10 cùng năm; cấm khai thác trong thời gian từ ngày 1.11 năm nay đến 30.4 năm sau.

Cũng tại quốc gia này, giấy phép khai thác có thể được gia hạn nhưng không thể được chuyển nhượng cho bên thứ 3; quyền khai thác dành riêng cho công dân Angola, người nước ngoài được phép cung cấp dịch vụ hậu cần và hành chính… Ngoài ra, còn hàng loạt quy định về xuất khẩu gỗ như giấy phép khai thác rừng, hoạt động khai thác gỗ (đường kính gỗ cho phép khai thác; các quy định về sức khỏe và an toàn lao động; các bảo hộ xã hội, mức lương của công nhân, vấn đề an sinh xã hội cho công nhân)…

Ngoài ra, hàng loạt nước như Congo, Ghana, Lào… cũng có những quy định rất nghiêm ngặt về xuất khẩu gỗ tròn, nếu vi phạm các quy định pháp lý thì nguồn gỗ tròn nhập khẩu từ các quốc gia này về Việt Nam là nguồn gỗ rủi ro.

Theo khuyến nghị của các chuyên gia lâm nghiệp, người tiêu dùng Việt Nam cần thay đổi thói quen tiêu dùng, sử dụng sản phẩm gỗ từ nguồn nguyên liệu rừng trồng, gỗ ván ép… thay cho gỗ “thịt” từ rừng tự nhiên để bảo vệ rừng và hệ sinh thái rừng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn