MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Góc khuất chia rẽ trong nội bộ FED vì lãi suất

Quý An (theo Wall Street Journal) LDO | 13/12/2022 12:55
Nội bộ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang có những mâu thuẫn nội bộ về chính sách tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Tháng 9 vừa qua, Chủ tịch FED Jerome Powell đã có những quyết định tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử từ những năm 1980, khiến thị trường bất động sản ở Mỹ rơi vào bế tắc, gây lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế sẽ xảy ra.

Khi lạm phát đạt mức cao nhất trong 40 năm, các quan chức của FED đều nhất trí rằng, lãi suất cần phải tăng mạnh. Đến thời điểm hiện tại, nội bộ FED đã xuất hiện nhiều rạn nứt giữa các quan chức về chính sách kiềm chế lạm phát.

Một số người đã kỳ vọng lạm phát sẽ hạ nhiệt trong đầu năm tới, mong muốn sớm ngừng tăng lãi suất. Một số khác thì lo ngại lạm phát sẽ không giảm về mức mong muốn trong 2023, cho rằng, cần tăng thêm lãi suất hoặc chí ít là giữ mức lãi suất như hiện tại trong một thời gian lâu hơn.  

Trước tình cảnh đó, ông Powell đang gặp thách thức không nhỏ để vạch ra quyết định về chính sách lãi suất trong thời gian tới. Câu hỏi được đặt ra là, nâng lãi suất đến mức nào và giữ mức đó trong bao lâu?

Nội bộ FED đang có sự chia rẽ về quan điểm lãi suất. Ảnh: Xinhua

Hiện tại, công cuộc chống lạm phát đang ở giai đoạn thứ hai. Các quan chức FED dự kiến sẽ tăng lãi suất theo từng bước nhỏ hơn. Ông Powell từng nhận định, tháng 12 này FED có thể sẽ tăng lãi suất chuẩn thêm 0,5 điểm, nâng mức lãi suất dao động từ 4,25% đến 4,5%. Đây là mức cao nhất trong 15 năm qua.

Giai đoạn thứ ba là thời điểm hầu hết quan chức FED dự kiến sẽ rơi vào mùa xuân hoặc mùa hè năm 2023. Theo đó, FED sẽ giữ lãi suất ở một mức cao hơn chưa được xác định cho đến khi lạm phát trên đà giảm xuống mức mục tiêu 2%.

Lãi suất đã ảnh hưởng đến các chi phí đi vay khác trong toàn bộ nền kinh tế Mỹ, bao gồm lãi suất thế chấp, thẻ tín dụng và các khoản vay mua ôtô. Hệ quả khi lãi suất tăng là kìm hãm việc tuyển dụng nhân sự, chi tiêu và đầu tư.

Nathan Sheets - Kinh tế trưởng tại Citigroup - cho biết, gần như tất cả quan chức của FED đều cho rằng, tỉ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên, có thể dẫn đến những bất đồng sâu sắc hơn trong chính nội bộ Cục Dự trữ.

Chủ tịch FED Jerome Powell. Ảnh: Xinhua

Kì vọng về lạm phát và áp lực tiền lương là chủ đề chính của những bất đồng giữa các quan chức FED. Thước đo lạm phát của FED là chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân, đã tăng 6% trong tháng 10.2022 so với một năm trước đó. Giá cốt lõi, trừ loại thực phẩm và năng lượng dễ bay hơi đã tăng 5%.

Sự chia rẽ rơi vào hai phe: Phe thứ nhất (còn gọi là nhóm Bồ Câu) là những người cho rằng lạm phát cao có khả năng giảm dần và muốn giảm thiểu khả năng mất việc làm. Phe thứ hai (nhóm Diều Hâu) là những người sẵn sàng áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn để chống lạm phát.

Phe Bồ Câu lập luận, lạm phát cao đã phản ánh những gián đoạn do đại dịch và chiến tranh Nga-Ukraine. Họ cho rằng, ngay khi những gián đoạn này kết thúc, việc FED tăng lãi suất sẽ nhanh làm suy yếu các nhu cầu kinh tế, buộc các doanh nghiệp phải cạnh tranh giá. Phe Bồ Câu cũng hy vọng một số thị trường sẽ giảm bớt khó khăn như bất động sản, ôtô; lo ngại FED có thể tăng lãi suất quá cao, gây ra suy thoái kinh tế sâu rộng.

Mối quan tâm hàng đầu của phe Bồ Câu là FED đã hành động có phần quá nhanh trong năm nay đến mức không có thời gian để nghiên cứu các tác động đối với nền kinh tế.

Phía bên kia “chiến tuyến”, phe Diều Hâu cũng nhận thấy, xu hướng lạm phát nên chậm lại, nhưng phải giữ ở mức 3% đến 4% nếu vấn đề tuyển dụng vẫn ồ ạt. Họ lo rằng, nếu thị trường lao động không giảm sút, áp lực giá cả sẽ leo thang vì thu nhập của người lao động cũng tăng.

Christopher Waller - Thành viên Hội đồng Thống đốc FED - cho hay: “Tôi lo lắng về chuyện ngày càng có nhiều doanh nghiệp nói về kế hoạch tăng lương để giữ chân người lao động”.

Tháng trước, Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết, mức tăng trưởng tiền lương đang ở khoảng 1,5 đến 2 điểm phần trăm là quá cao. Ông nói: “Chúng tôi muốn tiền lương tăng mạnh, nhưng chúng phải tăng ở mức phù hợp với lạm phát 2% theo thời gian”.

Một số quan chức của FED, bao gồm cả ông Powell tại một cuộc họp báo vào tháng trước, đã gợi ý rằng đất nước sẽ tồi tệ hơn nếu lạm phát tăng trở lại. Họ sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất vào cuối năm 2023 thay vì tăng lãi suất quá nhiều lần và gây ra suy thoái kinh tế.

Một số nhà kinh tế cho rằng, FED đã thắt chặt quá tay. Alan Detmeister - nhà kinh tế học tại UBS - kỳ vọng lạm phát cơ bản sẽ giảm nhanh chóng sau khi suy thoái kinh tế xảy ra vào năm tới. Ông thấy nó sẽ giảm xuống 2,1% vào cuối năm 2023 và 1,6% sau hai năm.

Các nhà kinh tế khác nhận thấy rủi ro là lạm phát vẫn tăng trừ khi nền kinh tế trải qua suy thoái. Nguyên nhân bởi Hoa Kỳ phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động dai dẳng hơn và lạm phát tiền lương có xu hướng khó hạ xuống nếu không có suy thoái. Ngay cả sau thời kì suy thoái, lạm phát giảm nhưng vẫn trên mức 2% như mục tiêu của FED.

Hiện tại, Chủ tịch FED Powell đã có ý định tiếp tục tăng lãi suất, cụ thể là khoảng 5% vào tháng 3.2023.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn