MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Gói hỗ trợ lãi suất 2% "có tiền mà không tiêu được"

Lam Duy LDO | 16/04/2023 10:35
Đến giữa tháng 4.2023, gói cho vay hỗ trợ lãi suất 2% quy mô 40.000 tỉ đồng chỉ giải ngân được vỏn vẹn 330 tỉ đồng do các quy định chưa sát thực tế, thậm chí trừu tượng. 

Số liệu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) báo cáo Chính phủ cuối tuần qua về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 cho thấy, trong kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao cho năm 2023, NHNN được giao 24.283 tỉ đồng.

Số vốn trên chiếm đa số trong tổng số vốn giao cho 17 bộ, ngành cơ quan Trung ương thuộc Tổ công tác số 1 của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Tuy nhiên theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, trong khi tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản của ngành ngân hàng đạt hơn 9% (vượt kế hoạch quý I/2023), tốc độ giải ngân nguồn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nằm trong gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại lại rất chậm

Ở chương trình này, số vốn được bố trí là 23.965 tỉ đồng dành cho vay một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã có khả năng phục hồi sau dịch COVID-19.

Cụ thể theo ông Đào Minh Tú, dù số vốn được bố trí là rất lớn, quá trình giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% không được như mong muốn và sau 2 năm thực hiện, tổng giải ngân mới đạt 330/40.000 tỉ đồng.

Tiêu chí chưa sát thực tế, thậm chí trừu tượng khiến việc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% quá chậm. Ảnh: Hải Nguyễn

Lãnh đạo NHNN chỉ ra một loạt nguyên nhân như các quy định cho vay chưa sát, điều kiện thực tiễn thay đổi...

Đáng chú ý, Nghị quyết 43/2022/QH15 quy định tiêu chí cứng là "có khả năng phục hồi" là điều kiện để được hưởng chính sách ưu đãi này.

Song quá trình triển khai thực tế cho thấy, tiêu chí "có khả năng phục hồi" rất trừu tượng, cả ngân hàng thương mại và doanh nghiệp đều rất khó xác định thế nào là "có khả năng phục hồi" nên rất khó thực hiện.

Từ thực tế trên, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, cơ quan ngân hàng Trung ương nhiều lần báo cáo nên chuyển nguồn này sang các chính sách khác, những lĩnh vực đang thiếu vốn để tận dụng nguồn lực đang dôi dư. 

Như Lao Động phản ánh, những khó khăn trong việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% xuất hiện từ rất sớm và nhanh chóng được nhiều chuyên gia cũng như chính cơ quan trực tiếp triển khai là NHNN chỉ ra.

Ngay với tiêu chí "có khả năng phục hồi", bà Hà Thu Giang - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng, NHNN - hồi giữa tháng 1.2023 cũng nhận định rằng, nếu có tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách ở tiêu chí này, doanh nghiệp cũng không thể hấp thụ hết số tiền 40.000 tỉ đồng.

Bởi trong tổng số doanh nghiệp có đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất, có tới 67% số doanh nghiệp qua khảo sát có tâm lý e ngại.

Vì vậy theo bà Hà Thu Giang, NHNN đề xuất Chính phủ chuyển nguồn sang cho các nhiệm vụ chi có khả năng hấp thụ tốt hơn như Chương trình cho vay giải ngân qua Ngân hàng Chính sách xã hội, giải quyết việc làm…

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cũng nhận định, doanh nghiệp lo ngại nhận tiền của nhà nước hỗ trợ, sau này quá trình thanh tra, kiểm toán phức tạp… là khó khăn vướng mắc lớn nhất khiến gói hỗ trợ gặp khó khăn khi triển khai.

"Một trong những điều kiện để các doanh nghiệp được hỗ trợ là phải có khả năng phục hồi sau dịch COVID-19. Tuy nhiên, việc đánh giá khả năng phục hồi là như thế nào rất khó xác định” - ông Nguyễn Hoàng Dương nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn