MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Để phát huy hiệu quả gói tín dụng 120.000 tỉ đồng, các chuyên gia cho rằng, cần tính toán đơn giản thủ tục cho vay. Ảnh: Đình Hải

Gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cần đơn giản thủ tục vay vốn

Kim Ngân LDO | 16/03/2023 06:45

Gói hỗ trợ 120.000 tỉ đồng được đưa ra trong bối cảnh thị trường bất động sản “khát” chính sách tháo gỡ khó khăn và rất nhiều người thu nhập thấp mong muốn được hỗ trợ để sở hữu nhà ở. 

Mong lãi suất vay thấp hơn nữa

Sau nhiều năm dành dụm được hơn 400 triệu đồng, vợ chồng chị Nguyễn Thị Dương ở quận Hoàng Mai, Hà Nội quyết định tìm mua một căn chung cư. Khi biết Chính phủ có gói 120.000 tỉ đồng hỗ trợ người dân thu nhập thấp để mua nhà ở xã hội, chị Dương tìm hiểu điều kiện để được vay vốn. Bởi với số tiền hơn 400 triệu đồng, gia đình chị vẫn phải đi vay thêm ngân hàng mà lãi suất vay rất cao.

“Với thu nhập của hai vợ chồng, trừ tiền sinh hoạt, ăn học cho các con phải làm thêm mới đủ trả gốc và lãi hằng tháng” - chị Dương tính toán. Nhưng nếu lãi suất vay vốn giảm bớt 1,5-2%/năm, chị Dương cho biết, sẽ đỡ tiền lãi nhưng theo chị Dương nếu mua dự án mới trả tiền theo đợt thì trong mấy năm chờ nhà, hai vợ chồng vừa phải trả tiền mua nhà, vừa phải trả tiền thuê nhà. Chị Dương mong muốn Chính phủ có thể hỗ trợ thêm những người có nhu cầu mua nhà thực sự bằng cách giảm thêm lãi suất từ 1-2%.

Đánh giá về gói tín dụng 120.000 tỉ đồng, chuyên gia kinh tế TS Vũ Đình Ánh cho rằng, đây là nỗ lực rất lớn của các ngân hàng bởi trong bối cảnh tín dụng cho bất động sản tăng tới 24% trong năm qua (gần gấp đôi so với tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế nói chung và chiếm tới 20% trong tổng tín dụng cho nền kinh tế).

Kiến nghị đơn giản thủ tục vay

Trước đó, thông tin về gói tín dụng, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã bàn với 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước là: Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank và 4 ngân hàng này đã thống nhất gói tín dụng quy mô 120.000 tỉ đồng (mỗi ngân hàng sẽ dành khoảng 30.000 tỉ đồng cho hai đối tượng là nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân). Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, trường hợp có thêm các ngân hàng thương mại đủ điều kiện tham gia thì quy mô gói tín dụng này có thể tăng lên.

Các ngân hàng đã dự kiến lãi suất cho vay gói này sẽ chỉ thấp hơn từ 1,5 - 2%/năm so với lãi suất cho vay phổ biến trên thị trường hiện nay. TS Nguyễn Đình Ánh cũng nhận định, lãi suất của gói 120.000 tỉ đồng chỉ thấp hơn lãi suất thị trường hiện nay và có thể sẽ không cố định như gói hỗ trợ lãi suất thấp đối với nhà ở xã hội trước đây.

Tuy nhiên, với nhiều người, khó khăn không chỉ là lãi suất. Ông Dương Thành Trung (ở huyện Thanh Trì, Hà Nội) cũng đang tìm mua nhà cho con trai mới lập gia đình. Ông Trung cho biết, hiện nay dồn tất cả các khoản tiết kiệm của gia đình được hơn 700 triệu đồng. Để mua một căn nhà 70-80m2 cho con, gia đình vẫn phải đi vay thêm ngân hàng. “Tiền lãi và tiền gốc vay cả nhà sẽ cùng nhau cố gắng dồn vào trả. Vấn đề là làm sao vay được tiền ngân hàng, thủ tục đừng khó khăn quá” - ông Trung kiến nghị.

Một số thông tin gói tín dụng đã được đưa ra, liên quan đến quy mô và lãi suất, phía ngân hàng chưa thông tin cụ thể về điều kiện vay vốn. Nhiều ý kiến cho rằng, rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng cách đây gần 10 năm, ngoài hỗ trợ lãi suất, các ngân hàng cũng nên tạo điều kiện về thủ tục để những người có thu nhập thấp thực sự tiếp cận được vốn như định hướng của Chính phủ.

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, việc ưu tiên vốn cho nhà ở bình dân là rất hợp lý để tạo ra nguồn lực phát triển phân khúc này và nâng cao chất lượng an sinh xã hội. Nhưng điều kiện thủ tục đơn giản hóa hết sức không có nghĩa là các ngân hàng sẽ hạ các chuẩn mực về tín dụng cho vay bất động sản bởi ngân hàng phải tính toán, đảm bảo về dòng tiền, chỉ số lợi nhuận, chỉ số đòn bẩy tài chính.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn