MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vẫn chưa có khung pháp lí để xác định rõ các doanh nghiệp cung cấp ứng dụng gọi xe, gọi thức ăn, chuyển hàng... là Cty công nghệ hay Cty vận tải (ảnh: PK)

Grab, FastGo, Be... và thị trường ứng dụng đặt xe: Loạn cào cào

Thế Lâm LDO | 03/01/2019 16:00

Cho tới thời điểm này tại Việt Nam đã có hơn một chục ứng dụng đặt xe đang hoạt động đã được cấp phép và chưa được cấp phép. Tuy nhiên, ngay trong khoảng thời gian diễn ra phiên tòa Vinasun kiện Grab thì nội tình các ứng dụng đặt xe trên thị trường đã không có được tiếng nói chung.

Từ nhìn nhận khác đến không đồng thuận…

Lâu nay Grab luôn định nghĩa mình là Cty công nghệ, với ứng dụng Grab đặt xe hay giao hàng, giao thức ăn.v.v… chỉ đóng vai trò kết nối.

Tuy nhiên, ngay trong tháng 11.2018 khi diễn biến phiên tòa xử vụ Vinasun kiện Grab đang diễn ra căng thẳng, trong một công văn gửi đến Tòa án Nhân dân TP.HCM của FastGo, phía ứng dụng này đã cho rằng “căn cứ trên thực tế hoạt động của Grab hiện nay, rõ ràng đây không phải là mô hình Cty công nghệ thuần tuý, cũng không phải hoàn toàn mang tính chất môi giới kinh doanh như các ứng dụng gọi xe khác”.

Văn bản này do ông Nguyễn Phan Trung Kiên - Phó Tổng giám đốc của FastGo – kí gửi đi. Theo phân tích từ phía FastGo, từ giá cước, thanh toán cho đến cách điều hành cuốc khách... đều có sự tham gia và quyết định của Grab.

Bởi nếu chỉ đơn thuần là trung gian môi giới thì giá cước phải do bên bán (tài xế) quyết định theo nguyên lí thị trường. Chính vì thế, FastGo cho rằng Grab không đơn thuần là trung gian môi giới.

Thậm chí, với Be Group – Cty vừa tung ra ứng dụng đặt xe Be vào ngày 13.12.2018 vừa qua tại Việt Nam, cũng tự xác định mình là ứng dụng về giao thông vận tải nhằm tránh sa vào cuộc tranh cãi chưa có hồi kết về việc các ứng dụng đặt xe hiện nay là Cty công nghệ hay Cty vận tải taxi.

Ông Trần Thanh Hải - CEO của Be Group - xác định Be là ứng dụng giao thông vận tải (ảnh:ictnews.vn)..

Ông Trần Thanh Hải – CEO của Be Group – đã bày tỏ rõ quan điểm rằng các ứng dụng đặt xe như Be là dịch vụ vận tải. Bởi theo ông Hải, bản chất của các ứng dụng đặt xe vẫn là đưa khách từ điểm A đến điểm B; còn tất cả chuỗi công nghệ đóng vai trò giúp tối ưu hoá công việc, nhằm tiết giảm chi phí…

Chưa có khung pháp lí xác định bản chất doanh nghiệp

Tuy nhiên gần đây nhất, sau phán quyết của Tòa án Nhân dân TP.HCM về việc Grab phải bồi thường cho Vinasun 4,8 tỉ đồng, trong phản hồi phát đi chiều ngày 28.12.2018 phía Grab đã cho rằng “không công bằng khi xác định bản chất doanh nghiệp trong khi khung pháp lí cho xe hợp đồng điện tử vẫn còn đang trong quá trình thảo luận, chỉnh sửa”.

Và cũng theo lời ông Jerry Lim - CEO của Grab tại Việt Nam, việc xây dựng các khuôn khổ pháp lí đối với dịch vụ xe hợp đồng điện tử (hay thường gọi là xe đặt qua ứng dụng trên điện thoại) là một công việc phức tạp.

Theo vị CEO này, lĩnh vực xe hợp đồng điện tử ngày nay đã trở thành một xu thế và là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân, và một khung pháp lí cần hướng đến phải hài hòa và công bằng cho mọi doanh nghiệp, sao cho tất cả các bên cùng có lợi.

Grab từ trước tới nay cho rằng là ứng dụng công nghệ kết nối (ảnh: PK).

Ngay tại phiên tòa xét xử vụ Vinasun kiện Grab, bản án nêu rằng “Grab cho rằng chỉ là Cty cung cấp công nghệ, không hoạt động kinh doanh vận tải taxi, các tài xế do hợp tác xã quản lí... Nhưng thực tế, Grab quản lí lái xe, đưa ra cước phí. Khách hàng khi đặt xe đều chuyển khoản qua Grab, hoặc trả cho tài xế sau đó chiết khấu. Việc thưởng, phạt lái xe do Grab quyết định…”

Nhưng cho dù bản án đưa ra nhận định như thế song cũng không đưa ra phán quyết Grab là Cty công nghệ hay Cty vận tải, vì vấn đề này không thuộc phạm vi vụ kiện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn