MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hạt sâm trên đỉnh Ngọc Linh. Ảnh T.T

Hạ giá thành, đưa dược liệu quý Sâm Ngọc Linh ra thị trường

THANH TUẤN LDO | 19/09/2022 15:46
Kon Tum - Với việc hạ giá thành sản phẩm, sản xuất đại trà sâm Ngọc Linh để bán ra thị trường, giúp người dân cả nước tiếp cận, mua được sâm. 

Trong 2 ngày 18 và 19.9, Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum K5 tổ chức chương trình “về nguồn -giao lưu và chia sẻ” với các nhà khoa học, tổ chức chuyên nghiên cứu về sâm.

Sau hơn 25 năm, từ mong muốn ban đầu là giữ cho được một loại dược liệu quý cho địa phương, vườn sâm của công ty trên đỉnh núi Ngọc Linh, huyện Tu Mơ Rông đã phát triển lên tới hàng ngàn ha. 

Mỗi năm công ty sản xuất ra hàng triệu cây giống để mở rộng diện tích và cung cấp cho người dân trong vùng. Sâm Ngọc Linh có giá trị đặc biệt tốt đối với sức khoẻ con người. Tuy nhiên hiện nay trên thị trường có nhiều loại dược liệu giống sâm, có nguy cơ làm biến đổi gen giống sâm quý. 

Các đoàn nghiên cứu, du khách tham quan vườn sâm ở Tu Mơ Rông. Ảnh T.T 

Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Công Luận - Nguyên Giám đốc Trung tâm Sâm và Dược liệu TP.Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng tôi có đề xuất với Kon Tum và Quảng Nam cần có biện pháp để bảo tồn giống gen quý của sâm Ngọc Linh, vì hiện nay có nhiều loại dược liệu giống sâm. Nếu để lai tạo thì chúng ta sẽ mất dần nguồn gen và mất kiểm soát giống sâm”. 

Các nhà khoa học và thực tế đã chứng minh giá trị của sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, nếu chỉ khai thác và sử dụng sâm nguyên bản thì sẽ chưa đủ, và không phải người dân nào cũng có điều kiện sử dụng, vì giá sâm Ngọc Linh quá cao. 

Một góc vườn sâm dưới tán rừng già. Ảnh T.T 

Hiện nay các công ty sâm nghiên cứu và phát triển các dòng sản phẩm chiết xuất từ sâm như nước giải khát, thực phẩm chức năng, trà, dược mỹ phẩm… Các sản phẩm với giá thành hợp lý sẽ giúp người dân trong và ngoài nước tiếp cận, mua được sâm để chăm sóc sức khoẻ.  

Ông Trần Hoàn - Chủ tịch HĐQT Công ty sâm Ngọc Linh Kon Tum K5- cho biết: “Hiện nay sâm gần như đã thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng nhưng chúng ta cần nghiên cứu, gieo trồng và ứng dụng các biện pháp khoa học để tăng sản lượng, năng suất, tiến tới sản xuất hàng hoá, giảm giá thành để nhiều người được sử dụng”. 

Từ một huyện nghèo, người dân cũng như chính quyền tỉnh Kon Tum hy vọng sẽ có những tỉ phú về sâm. Thực tế, những năm qua đời sống người dân dưới chân núi Ngọc Linh đã “thay da đổi thịt” nhờ liên kết trồng sâm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn