MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế. Ảnh: PV

Hạ lãi suất, tiền rẻ nhưng doanh nghiệp vẫn “ế” đơn hàng

Lan Hương (Thực hiện) LDO | 26/05/2023 07:04
Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm thêm một loạt mức lãi suất điều hành áp dụng từ ngày 25.5. Chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng, Ngân hàng Nhà nước có tới 3 đợt giảm lãi suất điều hành. Đây được coi là một động thái quyết liệt trong nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vì sao ngân hàng hạ lãi suất nhưng doanh nghiệp vẫn kêu khó vay, “chỉ vay được trên tivi”? Phóng viên Báo Lao Động có cuộc phỏng vấn với TS Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế về vấn đề này.

Thưa ông, Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành lần thứ 3 trong năm nay. Ông đánh giá ra sao về động thái này?

- Cái khó hiện nay của doanh nghiệp không phải ở vấn đề lãi suất mà khó ở dòng tiền bán hàng.

Lãi suất điều hành giảm khiến lãi suất huy động bắt đầu giảm. Điều đó chứng tỏ cho biết hệ thống ngân hàng không chịu áp lực tăng từ việc huy động vốn. Vấn đề lạm phát và cân đối đều được giải toả.

Tuy nhiên, ở tầm vi mô, doanh nghiệp xuất khẩu khó ở việc đơn hàng xuất khẩu nên họ không có dòng tiền kinh doanh. Doanh nghiệp trong nước khó ở tiêu dùng nội địa. 

Các ngân hàng luôn đặt mục tiêu quản trị rủi ro. Khi nền kinh tế tốt, ngân hàng mời doanh nghiệp cho vay. Nhưng khi các doanh nghiệp gặp khó thì ngân hàng lại né. 

Nhiều ngân hàng vẫn còn vốn và dư nợ tín dụng nhưng cho vay khó bởi các ngân hàng này chỉ cho vay các doanh nghiệp an toàn. Các doanh nghiệp khó khăn, doanh thu sụt giảm, kinh doanh không có lãi, cần vốn thực sự thì khó vay.

Đó là lý do vì sao vĩ mô tốt dần lên nhưng trong vi mô, một số doanh nghiệp vẫn thấy chưa vay được, mà dường như “chỉ lên tivi mới vay được”.

Ngân hàng Nhà nước cùng một lúc mong muốn đạt nhiều mục tiêu như kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng vẫn hạ lãi suất. Trong khi, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế không chỉ dồn vào chính sách tiền tệ mà cần kết hợp với chính sách tài khoá. Ông nghĩ sao về việc này?

- Việt Nam chưa có hệ thống ngân hàng phát triển như một ngân hàng đại chúng thật sự.

Từ năm 2007 đến nay, sau gần 20 năm nhưng hệ thống ngân hàng chỉ chuyển từ đại gia này sang tay các đại gia khác. Thời trước, các đại gia đứng sau ngân hàng có thể kể các tên như bà Hứa Thị Phấn, ông Phạm Công Danh, ông Trầm Bê… Một số ngân hàng chưa thực sự theo mô hình đại chúng để điều hành ngân hàng theo hướng quản trị rủi ro từ xa. Năm 2023, nếu ngân hàng phát triển như một ngân hàng đại chúng thật sự thì đã không lâm vào tình cảnh khó khăn trong điều hoà vốn, không dồn hết vốn vào lĩnh vực bất động sản, dòng vốn đã không khó như thế này. Dòng vốn bị kẹt là do hệ thống ngân hàng chưa phát triển tương xứng với tính thị trường kinh doanh vốn. 

Vậy giải pháp là gì? Nếu trước đây, vào thời điểm 1997 - 1998 xảy ra cơn bão tài chính châu Á hệ thống ngân hàng đa số thuộc sự quản lí của Nhà nước nên xử lí rất dễ. Nay, Việt Nam hội nhập lớn, độ mở kinh tế lớn, xuất khẩu mạnh, hệ thống ngân hàng có nhiều ngân hàng lớn ngoài ngân hàng Big4. Các giải pháp nhà nước chỉ mang tính tương đối chứ không thể áp dụng như trước.

Vấn đề đặt ra là nếu hiện nay, Chính phủ cung tiền ra nền kinh tế thì các doanh nghiệp có hấp thụ được không? Doanh nghiệp xuất khẩu nhận nhiều tiền lúc này cũng không hấp thụ được do đơn hàng không có. Doanh nghiệp nội địa cung tiền ồ ạt cũng không tiêu hoá được vì thiếu thị trường tiêu thụ.

Việc Chính phủ cần làm lúc này là ổn định hệ thống tiền tệ, hỗ trợ hạ tầng trọng điểm. Bản thân doanh nghiệp cần tiết giảm chi tiêu để xoay sở vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn