MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hà Nội sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 318 km. Ảnh: Hải Nguyễn

Hà Nội: Chuyên gia nói về qui hoạch 8 tuyến đường sắt đô thị đến 2030

Phạm Đông - Lan Nhi LDO | 24/09/2020 17:47

Theo quy hoạch đến năm 2030, Hà Nội sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 318km để kết nối với các đô thị vệ tinh và vùng ven.

Trao đổi với Lao Động ngày 24.9, ông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội chia sẻ: “Việc dự kiến triển khai 8 tuyến đường sắt đô thị đến năm 2030 là rất cần thiết. Tuy nhiên, khi triển khai cần được kiểm soát chặt chẽ, đẩy nhanh tiến độ thi công, tránh lãng phí và gây ảnh hưởng đến vấn đề giao thông đường phố".

Theo ông Liên, vấn đề phát triển giao thông đô thị Hà Nội từ lâu đã được Nhà nước phê duyệt theo quy hoạch tổng thể lâu dài. Kế hoạch này đã tranh thủ, tận dụng được sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trên thế giới, trong đó có tổ chức JICA của Nhật Bản.

Là người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực vận tải, ông Liên hoàn toàn ủng hộ chủ trương, kế hoạch nghiên cứu của Nhà nước để xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông. Muốn thuyên giảm vấn đề ùn tắc giao thông Hà Nội, theo ông cần phải giải quyết cấp bách hai vấn đề cơ bản: Hạn chế phương tiện cá nhân và đẩy mạnh phát triển giao thông công cộng như xe bus, đường sắt trên cao, tàu điện ngầm... Tiếp đó là vấn đề xây dựng kế hoạch một cách liền mạch, tránh chắp vá, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý Nhà nước.

“Nếu dự án đường sắt đô thị được triển khai đúng kế hoạch, tập trung được nguồn lực ngân sách để giải quyết sẽ tạo ra bộ mặt giao thông mới cho đất nước. Việc hạn chế xe cá nhân và phát triển giao thông công cộng cũng làm cho chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên.

Nếu dự án có vốn vay từ nước ngoài thì phải biết cách sử dụng một cách hiệu quả, tiết kiệm, có phương án vay và sẽ trả nợ. Người cho vay phải khách quan, đầu tư, không có điều kiện ràng buộc. Lo lắng nhất là vấn đề đền bù đất đai, giải phóng mặt bằng, nếu quy hoạch không đến nơi đến chốn, sẽ dễ xảy ra khiếu kiện, khiếu nại, gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án” - ông Liên cho hay.

Cũng trao đổi về vấn đề này, TS Phan Lê Bình - Chuyên gia giao thông thuộc Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) chia sẻ: “Kế hoạch triển khai 8 tuyến đường sắt đô thị đã được lập ra từ năm 2010 nhằm phát triển tổng thể mạng lưới giao thông công cộng của Hà Nội. Vì là quy hoạch tổng thể nên dự án có chiến lược dài hạn.

Ông Bình cho rằng, với quy mô dân số đô thị như ở Hà Nội hiện nay thì mức độ có 8 tuyến đường sắt là rất cần thiết. Đó là phương án để gánh vác một phần đáng kể lượng nhu cầu giao thông đô thị của người dân để giảm ùn tắc.

Lấy dẫn chứng về vấn đề này, ông Bình cho biết, nhiều đô thị hiện đại trên thế giới như New York, Tokyo có trên 20 tuyến đường sắt trong nội đô. Trong khi đó nước ta là nước đang phát triển nên nguồn lực khiêm tốn và có hạn, tiềm lực tài chính không lớn. Nguồn ngân sách Nhà nước phải chi rất nhiều cho các lĩnh vực khác nên việc triển khai sẽ gặp nhiều khó khăn.

Cũng theo ông Bình, việc xây dựng một tuyến đường có thể lên tới 10 năm nên ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến việc giao thông đi lại nhưng không đáng kể.

Chuyên gia cho rằng, lo lắng lớn nhất đó là tiến độ thi công còn chậm. Hiện nay, 4 tuyến có thể thu xếp được nguồn vốn. Trong đó 2 tuyến đang thi công là Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội. 2 tuyến tiếp theo là Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, Yên Viên - Ngọc Hồi...

Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA đã thu xếp được nguồn vốn nhưng hiện vẫn chưa thi công được. Việc tính toán nên đặt nhà ga ở vị trí nào đã mất rất nhiều thời gian, bỏ qua cơ hội vàng để làm đường sắt, buộc lòng người dân phải phụ thuộc nhiều vào phương tiện cá nhân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn