MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng thăm mô hình sản xuất nông nghiệp tại huyện Hoài Đức. Ảnh TTTĐ.

Hà Nội có 37 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Quang Hiếu LDO | 12/07/2017 19:36
Chiều 12.7, Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU (Chương trình 02) của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 -2020” tổ chức hội nghị giao ban quý II.2017 nhằm đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2017. 

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, 6 tháng đầu năm, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội tăng trưởng ổn định: Giá trị nông - lâm - thủy sản tăng 2,25% so với cùng kỳ, tổng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản đạt 18.631 tỷ đồng, tăng 2,85%.

Trong xây dựng nông thôn mới, đến nay, thành phố có huyện Đan Phượng và Đông Anh đạt chuẩn nông thôn mới; 255/386 xã (chiếm 66,06%) được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.  

Về công tác dồn điền đổi thửa và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân, đến nay, toàn thành phố đã cấp được 611.370/625.257 giấy chứng nhận, đạt gần 98%.

Tại hội nghị, Ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy yêu cầu các địa phương đẩy mạnh xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Hiện thành phố đã xây dựng được 37 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Các địa phương có nhiều mô hình là: Sóc Sơn 8 mô hình, Thanh Trì 6 mô hình, Quốc Oai 5 mô hình, Đan Phượng 3 mô hình; các huyện Ba Vì, Gia Lâm, Thạch Thất mỗi địa phương có 2 mô hình...

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng biểu dương nỗ lực, cố gắng của các địa phương trong thực hiện Chương trình 02. Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy chỉ rõ khó khăn, tồn tại như: Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, quy mô hộ gia đình là chính, thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao chưa nhiều.

Đối với xây dựng nông thôn mới, triển khai ở một số địa phương còn chậm; kết quả chưa đồng đều; một số huyện tỷ lệ hộ nghèo cao và tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch thấp. Trong 6 tháng cuối năm 2017, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu, Sở NN&PTNT phối hợp với sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch sản xuất đạt kết quả cao đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. 

“Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố cần tăng cường cho vay phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho nông dân. Ngoài ra, các địa phương cần đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, xây dựng thôn, làng văn hóa, gia đình văn hóa gắn với việc xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch…”, bà Hằng nói.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn