MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hà Nội: Cửa hàng kinh doanh thời trang đồng loạt xả hàng để trả mặt bằng

Bảo Chi LDO | 04/03/2023 07:47

Giá mặt bằng cho thuê tăng cao, dù đã giảm giá các sản phẩm từ 20 - 50%, thậm chí đến 80% nhưng nhiều cửa hàng kinh doanh thời trang trên các tuyến phố Hà Nội vẫn vắng bóng người mua.

Ghi nhận của PV Lao Động, nhiều cửa hàng kinh doanh thời trang trên các tuyến phố Hà Nội đang liên tục treo biển khuyến mãi, giảm giá để trả lại mặt bằng.

Không chỉ mặt hàng thời trang có giá bình dân mới khuyến mãi, các cửa hàng buôn bán quần áo cao cấp, thương hiệu quốc tế cũng đang giảm giá sâu từ 20 - 80%.

Cửa hàng kinh doanh thời trang trên phố Thượng Đình (quận Thanh Xuân) giảm giá sâu nhưng vắng bóng người mua. Ảnh: Thu Giang

Dọc theo tuyến phố chuyên bán quần áo, phụ kiện thời trang trên đường Cầu Giấy, Chùa Bộc, đường Láng... dù treo biển giảm giá nhưng thời gian gần đây cũng rất vắng khách, sau 20h tối là nhiều cửa hàng đã dần đóng cửa nghỉ bán.

Chị Hường - chủ cửa hàng thời trang trên phố Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, giá thuê mặt bằng tăng cao, dù đã chạy chương trình giảm giá 50% toàn bộ sản phẩm cả tháng nay nhưng tình hình kinh doanh vẫn rất ảm đạm. Các mặt hàng như quần âu, áo thiết kế, váy, tại đây đang giảm giá mạnh, bán với mức giá từ 159.000 - 239.000 đồng/tuỳ loại.

Cửa hàng thời trang trên đường Cầu Giấy, Hà Nội đang xả hàng bán với giá gốc, mua 2 tặng 2. Ảnh: Bảo Chi 

Mặc dù các nhãn hàng thời trang trên các tuyến phố Hà Nội đang đồng loạt giảm giá, nhưng sức tiêu thụ không cao. Nhiều chủ cửa hàng kinh doanh quần áo trên phố Hàng Đào (Hà Nội) cũng có chung phản ánh, mặc dù đã giảm giá hết mức nhưng cả ngày các cửa hàng tại đây chỉ bán được vài sản phẩm, khiến họ khó cân đối được tiền thuê mặt bằng và các chi phí khác.

Do giá mặt bằng và chi phí tăng cao, nhiều cửa hàng kinh doanh thời trang buộc phải xả hàng gấp để trả mặt bằng. Ảnh: Bảo Chi

“Vì tiền thuê mặt bằng quá cao mà cửa hàng ế ẩm không có khách nên tôi đành phải xả hết tất cả các sản phẩm. Trước đây cửa hàng rất đông khách, tấp nập người ra vào mua hàng.

Nhưng từ sau dịch COVID-19, nhu cầu của người tiêu dùng không còn nhiều nữa, khách hàng cũng có sự cân đo, đong đếm khi mua hàng nên lượng tiêu thụ hàng hoá rất chậm, thậm chí nhỏ giọt” - anh Đạt (quản lí của hàng thời trang tại Hà Nội) nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn